Sốt cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp chăn nuôi heo đồng loạt tăng giá mạnh trong bối cảnh giá heo hơi neo cao.
Loạt cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo bứt tốc trong phiên giao dịch ngày 17/5. Cụ thể, mã BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam tăng kịch trần ngay đầu phiên, tỷ lệ tăng trên 6,7%; mã DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam từng có thời điểm bật tăng hơn 5,7%; HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng kịch trần cuối phiên sáng với mức tăng gần 7%.
Nhóm này tăng điểm trong bối cảnh thị trường chung khá giằng co trong phiên. Tăng nhẹ hơn 3 điểm vào đầu phiên sáng, tuy nhiên sau đó chỉ số VN-Index lại đánh mất hơn 2 điểm. Xu hướng tăng của thị trường chưa đồng thuận.
Động lực chính từ giá heo
Đà tăng của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi heo có lẽ đã rậm rịch thời gian qua. Dòng tiền chạy về nhóm này tìm cơ hội giúp DBC và BAF tăng khoảng 20%; HAG có vẻ nhỉnh hơn với 22% chỉ trong thời gian một tháng. Đây là mức tăng đáng ghi nhận, khi chỉ số VN-Index chỉ tăng khoảng 5%.
Nhiều lý do để lý giải cho đà tăng của cổ phiếu các đại gia ngành chăn nuôi này. Trước hết, giá heo hơi đang trong giai đoạn tăng nóng, trên đường chạm mốc 70.000 mỗi kg. Khu vực miền Bắc, giá heo hơi ghi nhận khoảng 65.000 - 67.000 đồng/kg, khu vực miền Nam dao động trong khoảng 62.000 - 66.000 đồng/kg, cao nhất từ năm 2023 đến nay. Trong khi đó, cách đây một tháng trước đây, giá heo hai miền chỉ trong khoảng 58.000 - 62.000 đồng/kg.
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo hơi đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Xu hướng tăng được cho là vẫn tiếp diễn trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch, cầu nội địa khi nền kinh tế trở lại.
Trong khoảng đầu tháng 3/2024, nhiều công ty sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã thông báo giảm giá thức ăn chăn nuôi. Giá bán sẽ được giảm từ 100-400 đồng/kg tùy vào từng loại sản phẩm. Giá thức ăn chăn nuôi giảm góp phần giảm chi phí, tuy nhiên lại không hỗ trợ cho giá heo.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai từng lý giải, vào quý 3, 4 năm ngoái, do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, giá heo xuống thấp, người chăn nuôi đều bán dưới giá thành sản xuất. Do bị lỗ nặng nên họ không mặn mà tái đàn, điều này dẫn đến nguồn cung hiện tại suy giảm.
Ngoài ra, việc mua con giống rất khó khăn bởi nhiều nơi không muốn bán nhiều, muốn giữ lại để nuôi bán kiếm lời, nhằm bù đắp thiệt hại trước đó, giá con giốngtrước đây từ 1-1,1 triệu đồng/con, nay lên 1,7-1,8 triệu đồng/con.
Những ai sẽ được hưởng lợi?
Cơ cấu chăn nuôi chuyển dần từ hộ nhỏ lẻ sang các doanh nghiệp lớn theo Luật chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ 2025. Theo đó, với các doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính dồi dào, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thị trường hiện tại chính là cơ hội với họ.
Tại Đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco, ông Nguyễn Như So cho biết, tập đoàn đã nhập 10.000 con lợn giống trong năm 2023 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn ra căng thẳng. Ông cũng cho biết, giá thành sản xuất ở doanh nghiệp chỉ ở mức 48.000-51.000 đồng/kg. Như vậy giá lợn hơi hiện nay sẽ hỗ trợ tích cực cho biên lợi nhuận doanh nghiệp này.
Dự báo từ VCBS cho biết, họ ước tính DBC có thể đạt mức doanh thu và lợi nhuận saiu thuế lần lượt là 15.382 tỷ đồng và 445 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 1.680% so với năm 2023. Ước tính giá mục tiêu đạt 33.751 đồng/cp.
Trong khi đó, BAF có thế mạnh ở mảng phát triển trang trại. Năm 2024, doanh nghiệp dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại, dự kiến tổng đàn cuối năm gấp đôi cùng kỳ. BAF đặt kế hoạch doanh thu 5.544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 306 tỷ đồng cho năm nay.
"Chúng tôi cho rằng kế hoạch kinh doanh 2024 mà BAF đưa ra phù hợp với bốicảnh thị trường và BAF có thể hoàn thành được mục tiêu trong năm 2024", ABS đánh giá.
Với Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, năm trước đã thận trọng nên không mở rộng đàn heo, tuy nhiên tập đoàn bắt đầu tăng đàn từ tháng 4 năm nay, dự kiến lợi nhuận rơi vào quý 4 và năm 2025.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán, sản lượng thịt heo sẽ tăng 5% so với năm 2023, lên mức 3,7 triệu tấn. Cơ hội với các doanh nghiệp chăn nuôi còn nhiều. Dù vậy, nhiều chuyên gia lưu ý, nhà đầu tư cần cẩn trọng các rủi ro có thể xảy ra, cụ thể như dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa được kiểm soát triệt để có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.