Cổ phiếu Vin thoát đáy, nhiều nhà đầu tư thở phào
(DNTO) - Đà tăng bốc đầu của cổ phiếu VIC khiến nhà đầu tư lại dồn dập đổ tiền vào cổ phiếu này sau khi dòng xe VF3 đón lượng lớn khách đặt hàng.
Chính thức vượt đáy
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup chính thức thoát đáy sau khi bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm nay, 14/5. Ngay đầu phiên sáng, hơn 1,4 triệu đơn vị VIC đã được khớp lệnh, đưa VIC bật tăng trên mốc 48 ngàn đồng mỗi đơn vị. Đà tăng sau đó có giảm dần, tuy nhiên kết phiên, VIC vẫn giữ mức tăng 2,3%, chốt tại 46.050 đồng/cp.
Tổng cộng có hơn 11 triệu cổ phiếu VIC được trao tay, trong đó có hơn 5 triệu đơn vị được giao dịch khớp lệnh trong phiên, còn lại theo phương pháp thoả thuận. Thanh khoản đạt hơn 500 tỷ đồng. Theo đó, sau phiên hôm nay, vốn hoá doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đạt trên 175 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3 ngàn tỷ đồng so với phiên hôm qua. Với gần 700 triệu cổ phiếu VIC đang nắm giữ, giá trị tài sản của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gia tăng thêm khoảng 70 tỷ đồng.
Phiên giao dịch ghi nhận mức giá cao nhất của VIC tính từ giữa tháng 4 đến nay. Hơn một tháng qua, cổ phiếu này từng rơi xuống vùng đáy ngắn hạn với mức hơn 42 ngàn mỗi cổ phiếu. VIC chính thức bước qua nhịp điều chỉnh ngắn hạn, phục hồi theo mô hình chữ V để vượt lên vùng giá mới.
Trên thị trường thế giới, cổ phiếu VFS của VinFast cũng tăng dựng đứng trên 51% so với cuối tuần trước. Dù vẫn thấp hơn gần 40% so với đầu năm nhưng so với đáy vào cuối tháng Tư, VFS đã hồi phục gấp đôi, vốn hóa VinFast đạt trên 10,6 tỷ USD, ngang ngửa với nhiều hãng xe điện khác.
Việc VIC hồi phục mạnh mẽ chính là tin vui với nhiều cổ đông sau một thời gian cổ phiếu này nằm trong nhịp điều chỉnh sâu. Tâm lý chốt lời với cổ phiếu này cũng là điều dễ hiểu.
VF3 là lực đẩy?
Ngày 13/5, VinFast chính thức nhận đặt cọc cho mẫu xe VF3 với mức giá 235 triệu đồng (thuê pin) và 315 triệu đồng (bao gồm pin). Người mua phải đặt mức cọc 15 triệu đồng (không hoàn hủy).
Với mức giá hợp lý, thiết kế thông thông, màu sắc bắt mắt, đặc biệt chính sách thanh toán tiện lợi, VF3 đã thu hút được chú ý của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Dù hiện tại, phía doanh nghiệp chưa có thông tin về lượng đặt hàng nhưng có thể thấy hiệu ứng của VF3 đang khá tốt so với các dòng xe điện khác của doanh nghiệp.
Những thông tin về VF3 được xem là ngòi nổ đẩy cổ phiếu liên quan VinGroup bật tăng. Tại đại hội cổ đông mới diễn ra gần đây, Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng cho biết, những câu chuyện nghi ngờ về VinFast là không đúng. Ông mong muốn có sự chung tay, cùng thúc đẩy một thương hiệu Việt Nam không chỉ đẳng cấp mà là top đầu thế giới.
"Tất cả cho VinFast, tất cả cho chiến thắng. Đó là câu chuyện về đẳng cấp, về trách nhiệm mỗi chúng ta. Tôi cam kết dành 1 tỷ USD cho VinFast và sẽ tiếp tục thu xếp tài sản của mình cho VinFast, ít nhất là 1 tỷ USD nữa", ông khẳng định.
Sau một loạt xe đã ra mắt trên thị trường, nhà đầu tư dường như đang ngày càng có nhiều lý do hơn để đặt niềm tin cho VIC trong bối cảnh thị trường ô tô tại Việt Nam còn khá rộng, cộng với xu hướng xe điện đang ngày càng chuộng.
Năm 2024, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 200 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4,5 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 119% so với kết quả đạt được của năm 2023. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh sản lượng xe bản giao trong năm, chú trọng sáng kiến trong các khâu: thiết kế, bán hàng, sản xuất... để nâng cao giá trị thương hiệu.