Số ca F0 chuyển nặng tại TP.HCM giảm đáng kể
(DNTO) - Tại cuộc họp báo chiều 10/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin, trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, số người tử vong thời gian gần đây giảm đáng kể.
Tiếp tục mở các bệnh viện hồi sức
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, tính đến 18h ngày 9/9, TP.HCM có tổng cộng 279.223 trường hợp mắc Covid-19. Trong ngày 9/9, TP.HCM có 3.700 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện từ đầu năm 2021 đến nay là 144.024; 195 trường hợp tử vong trong ngày, tổng số tử vong cộng dồn là 11.604 trường hợp. Hiện số bệnh nhân đang điều trị là 39.617, trong đó có hơn 2.600 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, hiện nay trung bình mỗi ngày TP.HCM có từ 3.500 đến 4.000 ca nhập viện. Đa số các ca F0 nhẹ, không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 được chăm sóc tại nhà, F0 có dấu hiệu chuyển nặng giảm đáng kể.
“Trong giai đoạn hiện nay, năng lực điều trị của thành phố được đảm bảo. Thời gian trước đây, hằng ngày xe cấp cứu chuyển viện chạy trên đường rất nhiều, tuy nhiên thời gian gần đây rất ít. Rõ ràng số bệnh nhân nặng, cần phải chuyển viện giảm đi đáng kể”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Cùng với đảm bảo năng lực điều trị, thành phố đảm bảo các gói thuốc A, B, C và thuốc được Bộ Y tế cấp hoặc từ nhà tài trợ cho bệnh nhân các bệnh viện và F0 tại nhà. Hiện TP.HCM và Trung ương đang tiếp tục mở các bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng được công tác điều trị các ca bệnh nặng, như bệnh viện hồi sức 5G đặt tại Viện Y học cổ truyền quân đội ở Quận 6.
Chưa có hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi
Liên quan đến vấn đề tiêm trộn vaccine, đại diện Sở Y tế cho biết, trong trường hợp thiếu vaccine Bộ Y tế có hướng dẫn tiêm trộn vaccine Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine Astrazeneca.
Mới đây, Bộ Y tế đã họp Hội đồng khoa học thống nhất cho phép tiêm trộn vaccine Pfizer mũi 1, Moderna mũi 2 hoặc ngược lại và Astrazenca mũi 1, Moderna mũi 2. Nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng, Sở Y tế TP.HCM đã có hướng dẫn cho các đơn vị tiêm làm chặt các khâu sàng lọc trước, theo dõi sau tiêm và giám sát sự cố sau tiêm, quy trình hồi sức cấp cứu.
Về điều kiện tiêm vaccine cho trẻ từ 13 đến 18 tuổi, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết cho đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn, dù nhà sản xuất vaccine Pfizer khuyến cáo là được tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
“Vaccine Pfizer theo hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất được phép tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi. Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào cho lứa tuổi này. Tất cả các loại vaccine đều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên”.
Từ ngày 3/9 đến ngày 9/9, tốc độ tiêm chủng của TP.HCM tăng dần mỗi ngày. Từ nay đến ngày 15/9, TP.HCM tập trung tiêm hết số lượng vaccine đang có. Quan điểm của thành phố là không phân biệt quốc tịch, người nước nào, tất cả người trên 18 tuổi đang sinh sống tại thành phố đều được tiêm vaccine.