Sau nhịp tăng dài, chứng khoán tháng 4 có gặp khó?
(DNTO) - Chứng khoán tháng 4 được nhiều chuyên gia nhận định sẽ "khó nhằn" hơn sau khi thị trường chứng khoán đã trải qua một nhịp tăng dài, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Yếu tố nào dẫn dắt?
Chứng khoán tháng 3 ghi nhận đà tăng điểm tích cực khi VN-Index tăng 2,5% so với đầu tháng, đồng thời chỉ số này chính thức xác lập mức đỉnh mới kể từ tháng 9 năm 2022. Đáng chú ý thanh khoản được cải thiện, nhiều phiên đạt trên 30 ngàn tỷ đồng.
Tính chung từ đầu năm đến nay, VN-Index cũng đã bật tăng trên 13%, nhiều cổ phiếu ghi nhận thị giá tăng 10-30%. Đà tăng mạnh của thị trường giai đoạn qua đang đặt ra nhiều thách thức hơn cho thị trường chứng khoán tháng 4 này.
Hiện tại các yếu tố vĩ mô đang được duy trì ổn định khi FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất. Trong nước, lạm phát trong tầm kiểm soát, lãi suất được duy trì ở nền thấp, kết quả vĩ mô quý 1 mới được công bố khả quan, đồng thời nhiều chính sách được đưa ra nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản...
Trong bối cảnh này, hai câu chuyện hấp dẫn được cho sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán tháng 4 là kết quả kinh doanh quý 1 và các thông tin từ đại hội cổ đông thường niên các doanh nghiệp niêm yết.
Lợi nhuận quý 1 của các doanh nghiệp được đánh giá khả quan trên mức nền so sánh cùng kỳ năm 2023 tương đối thấp, ngoài ra còn nhiều yếu tố hỗ trợ như "nhu cầu tiêu dùng trong nước được kỳ vọng phục hồi; các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có tín hiệu khả quan và chi phí tài chính giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp", theo đánh giá của Agriseco Research.
Đồng thời mùa đại hội cổ đông đang diễn ra, các thông tin về kế hoạch kinh doanh, tăng vốn, chia cổ tức,… cũng góp phần tạo nên sự sôi động của dòng tiền với các cổ phiếu triển vọng.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi tỷ giá đang ở ngưỡng cao cũng là vấn đề cần lưu ý. Nhiều nhà đầu tư lo lắng việc NHNN liên tục hút ròng qua kênh tín phiếu sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, tuy nhiên có thể nhận thấy, đà hút của NHNN đã giảm trong cuối tháng 3, tỷ giá cũng giảm dần.
"Chúng tôi cho rằng NHNN sẽ cố gắng duy trì tình trạng cân bằng trong suốt quý 2", bà Đỗ Minh Trang, Giám đóc phân tích của ACBS cho biết. Trong trường hợp xảy ra biến động tỷ giá, NHNN sẽ có các biện pháp can thiệp để thực hiện mục tiêu ráo riết hơn.
Khó khăn vẫn còn
Theo ACBS, định giá của VN-Index theo P/E quá khứ đã tiệm cận mức trung vị 3 năm, trong đó VN30 đã chạm tiệm cận nhờ giai đoạn tăng vừa qua, nhóm vốn hoá vừa đã vượt qua nhưng nhóm vốn hoá nhỏ lại còn cách xa mức này.
Theo công ty này, "để VN-Index tăng bền vững và vượt xa trung vị 3 năm thì kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp phải khởi sắc rõ ràng so với cùng kỳ hoặc thanh khoản như hiện tại phải duy trì thời gian dài". Tuy nhiên thực tế, không phải nhóm ngành nào cũng có thể ghi nhận tăng trưởng vượt bậc, ngoại trừ các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, dầu khí, chứng khoán...
Hiện những yếu tố có thể kìm hãm đà tăng ngắn hạn đang dần xuất hiện.
"Nhà đầu tư cần tập trung quản trị rủi ro của danh mục trong ngắn hạn, sau khi thị trường đã có một nhịp tăng giá khá dài, và tìm kiếm cơ hội trong các ngành có triển vọng kinh doanh quý 1/2024 tốt với vùng định giá đang hợp lý như đầu tư công, dầu khí, xuất khẩu, chứng khoán, nhiệt điện", ACBS nhận định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu Vietstock, chia sẻ với nhà đầu tư, chỉ số VN-Index hướng tới mục tiêu là 1.400 điểm nhưng sẽ phải vượt qua mốc 1.270-1.295 với nhiều giằng co. Cũng theo ông, động thái hút ròng tiền của NHNN khả năng sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư nếu vẫn tiếp tục.
Theo quan điểm cá nhân, ông Minh cho biết, sự rung lắc của thị trường đi kèm với động thái hút ròng của NHNN có thể kích hoạt cơ chế bán để phòng ngừa rủi ro với các nhà đầu tư đã có được mức lợi nhuận nhất định. Do đó, ông không ủng hộ việc mua mạnh ở thời điểm này, nhà đầu tư nên xem xét thị trường, có thể rút và nghỉ ngơi vài tuần, nhất là khi có tình trạng căng thẳng địa chính trị leo cao.