Nhóm ngân hàng 'trở dậy': Có nên kỳ vọng?
(DNTO) - Nhóm ngân hàng bất ngờ tăng điểm mạnh và trở thành nhóm trụ cột dẫn dắt thị trường. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, trong ngắn hạn, việc dòng tiền tập trung vào nhóm này khả năng chỉ mang tính thời điểm, cơ hội nên dành cho các nhóm cổ phiếu khác triển vọng hơn.
Thị trường chứng khoán 20/3, phục hồi hơn 17 điểm sau bốn phiên giảm điểm liên tiếp. Chỉ số VN-Index sau khi mất hơn 27 điểm hiện đã trở về với mốc 1.260 điểm.
Công lao chính đóng góp cho thành công của phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đồng loạt tăng giá, đỉnh điểm VIB tăng kịch trần gần 7% và chỉ duy nhất EIB chịu cảnh giảm điểm, tuy nhiên mức giảm gần như không đáng kể với 0,54%. Trong đó, các cổ phiếu BID, TCB, CTG, MBB, VPB giữ vai trò chính nâng đỡ thị trường, hỗ trợ chỉ số VN-Index.
Sự trở lại của nhóm ngân hàng giúp thanh khoản toàn nhóm đạt trên 5,6 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 20% giá trị thanh khoản toàn thị trường. Có thể thấy, thời gian qua nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch không nhiều nổi bật và có sự phân hoá rõ nét giữa các cổ phiếu khác nhau. Theo đó, việc dòng tiền "đồng thuận" tham gia hôm nay đã cho thấy những tín hiệu tích cực với nhóm cổ phiếu "vua" này.
"Không nhiều cơ hội"
Diễn biến trên thể hiện sự kỳ vọng đặc biệt của nhà đầu tư cho ngành ngân hàng cũng như sự trở lại phục hồi của nền kinh tế trong năm nay. Tính tới cuối năm 2023, lợi nhuận các ngân hàng niêm yết dù chưa hoàn toàn thực hiện được kế hoạch đề ra trước đó, nhưng cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ. Quý 4/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu bước đầu được cải thiện và được kỳ vọng có nhiều thay đổi trong năm 2024.
Theo đánh giá của Mirea Asset, năm 2024, ngành ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng khả quan. Tốc độ giải ngân nhanh từ cuối năm 2023 và tăng trưởng tín dụng bền vững sẽ giúp thu nhập lãi thuần các nhà băng phục hồi. Ngoài ra, NIM đã tạo đáy trước đó và khả năng tăng trở lại.
Tuy nhiên, các nhà băng đang đối mặt với các rủi ro: chất lượng tài sản nội bảng suy giảm, áp lực dự phòng cao. "Ngoài ra, hiện tượng ngân hàng ghi nhận lỗ cũng đã xuất hiện trở lại sau một thời gian dài, trong khi các vấn đề tại SCB hay trái phiếu doanh nghiệp được ân hạn vẫn chưa xử lý", Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết.
Vì vậy, rủi ro của nhóm cổ phiếu này được dự báo trong cả ngắn hạn và trung hạn.
Có thể thấy từ tháng 11/2023, cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh, đã tiếp cận ngưỡng P/B trung bình 5 năm, thậm chí nhiều mã đã vượt đỉnh. "Sẽ không có quá nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn đối với nhóm ngành này, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư “thụ động” nhưng có thời gian nắm giữ ngắn. Do đó, giao dịch ngắn hạn sẽ phù hợp hơn đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, kết hợp với phân tích triển vọng thị trường", công ty này cho biết.
Với chiến lược dài hạn, cơ hội đầu tư tập trung ở những định giá chưa quá cao, chất lượng tài sản ổn định và tiềm năng tăng trưởng. Các cổ phiếu đươc khuyến nghị như CTG, TCB, MBB hay ACB.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán VPS, nhiều cổ phiếu ngân hàng không tăng nhiều thời gian qua nằm ở các lý do như không phải mục tiêu của nhà đầu tư ngoại, không có câu chuyện hấp dẫn dòng tiền, phải đối mặt với câu chuyện đúng sai liên quan đến đầu tư... khiến nhiều cổ đông không muốn nắm giữ nữa.
Ông cho biết, với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng vừa phải đợi thời điểm thích hợp để cơ cấu lại danh mục, tái cơ cấu sang các cổ phiếu hấp dẫn hơn.
"Việc tăng điểm của nhóm cổ phiếu này sẽ mang tính thời điểm, có thể lên vài phiên sau đó đi ngang tích luỹ, đứng im khi các nhóm khác đi lên. Nhà đầu tư chỉ nên tham gia vừa phải và nên dành tỷ trọng lớn cho các nhóm cổ phiếu khác", ông Khánh nhấn mạnh.