'Cửa sáng' của kênh đầu tư chứng khoán
(DNTO) - Chứng khoán đang hút một lượng tiền lớn đổ vào, kỳ vọng sẽ tạo nên bước tiến mới với thị trường này.
Thanh khoản tăng mạnh
Theo thống kê từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính riêng hai tháng đầu năm nay, tín dụng nền kinh tế đã giảm so với giai đoạn cuối năm 2023, với tốc độ giảm đang ghi nhận chậm lại khi tháng 1 giảm 0,6% thì tháng 2 chỉ còn 0,05%.
Thông tin tại Hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng diễn ra ngày 14/3, đại diện NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết dù mức giảm ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, tuy nhiên hai lĩnh vực vẫn hút mạnh tiền là bất động sản và chứng khoán. Nếu tín dụng lĩnh vực bất động sản chỉ tăng 0,23% so với cuối năm ngoái thì lĩnh vực chứng khoán lại tăng mạnh với 2,56%.
Điều này minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường này trong bối cảnh lãi suất huy động đang khá thấp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay, 14/3, thanh khoản toàn thị trường đã bật tăng lên mức 32 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, trong đó riêng trên HoSE đạt trên 27 ngàn tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch tại các phiên không ngừng tăng lên. Thanh khoản trung bình trong tháng 2 trên cả 3 sàn đạt khoảng 19 tỷ đồng/ngày, tăng trên 28% so với mức trung bình của tháng 1. Tháng 3, con số này tăng vọt, đạt khoảng 24 ngàn tỷ đồng mỗi phiên. Cùng đó, chỉ số VN-Index liên tục tăng mạnh từ đầu năm, từ mức 1.131 điểm ngày đầu năm thì chốt phiên hôm nay, chỉ số này đã chạm mốc 1.262 điểm.
Lượng tài khoản mở mới cũng gia tăng. Nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng tới 10-13% mang lại cơ hội lớn cho nhà đầu tư nếu so với các kênh đầu tư khác. Dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ luôn trực chờ đợi cơ hội để gia nhập thị trường. Cùng đó, các chính sách tiền tệ, tài khoá, sự tháo gỡ khó khăn kịp thời của Chính phủ, các yếu tố vĩ mô... được điều hành linh hoạt phù hợp với tình hình.
Ngay bản thân các công ty chứng khoán cũng đưa ra nhiều nhận định tích cực cho thị trường năm 2024. Mốc 1.400 điểm của VN-Index được nhiều chuyên gia dự báo trong kịch bản tích cực.
Như vậy có thể thấy thị trường chứng khoán đang hội tụ nhiều tiềm lực, cơ hội để thị trường gia tăng cả về chất và lượng, nhằm đưa chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.
Đà tăng còn tiếp diễn?
Để thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng, giữ chân được dòng tiền trong dài hạn, khá nhiều vấn đề được đặt ra.
Trước hết, hệ thống KRX cần sớm được đưa vào vận hành. Nếu điều này sớm thành hiện thực sẽ là bước tiến quan trọng cho thị trường trong việc nâng hạng từ cân biên lên mới nổi, qua đó hút mạnh dòng vốn ngoại chảy vào đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.
Các chuyên gia kỳ vọng không lâu nữa, hết quý 1 năm nay hệ thống chính thức hoàn thiện. "Khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là khả thi trong kỳ xem xét nâng hạng của FTSE vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 khi hệ thống KRX được hoàn thiện", chứng khoán VFS nhận định.
Trong khi đó, nhu cầu trong nước được kỳ vọng hồi phục thông qua môi trường lãi suất thấp, tiền đề để các doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh, mở rộng sản xuất, đẩy mạnh kết quả kinh doanh. Hiện tại chính sách giảm thuế VAT 2% từ đó tạo dư địa cho doanh nghiệp giảm giá bán, kích thích người tiêu dùng mua hàng đang phát huy tác dụng.
Đặc biệt, việc tạo niềm tin cho nhà đầu tư cũng là điều hết sức quan trọng. Thị trường chứng khoán khá nhạy cảm, chỉ một thông tin gây nhiễu có thể làm thị trường lao dốc. Do đó, sự bình ổn vĩ mô và các vẫn đề chính trị xã hội cũng là điều được coi trọng.
Cuối cùng, một số vấn đề rủi ro có thể ảnh hưởng đến thị trường như: những tác động từ bên ngoài như các cuộc chiến Ukraine, Isarel; mối đe doạ từ lạm phát; ảnh hưởng từ thị trường nợ cũng tác động đến thị trường; tín dụng tăng trưởng chậm hay sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản.
Dù vậy, thị trường vẫn nhận được nhiều kỳ vọng tích cực. "Chứng khoán vẫn là một trong những điểm đến tiềm năng của dòng tiền", công ty Chứng khoán VFS nhận định.