Quá nhiều cổ phiếu, phép thử thị trường 6 tháng cuối năm
(DNTO) - Lượng cổ phiếu lớn chuẩn bị đổ bộ vào thị trường trong 6 tháng cuối năm được xem là điểm rủi ro mà các nhà đầu tư cần lưu ý.
Nguồn cung dồi dào
Hai quý cuối năm, thị trường sẽ đón nhận một lượng cổ phiếu khủng gia nhập thị trường. Trong bối cảnh thị trường khởi sắc, việc nguồn cung cổ phiếu không ngừng tăng lên cũng là điều đáng mừng cho chứng khoán trong nước.
Theo số liệu của VNDirec, hàng loạt công ty niêm yết lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu trong năm nay, tổng mệnh giá cổ phiếu đã hoàn thành tăng vốn và đang trong kế hoạch lên tới 25.617 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức thực hiện trong cả năm 2020.
Trong khi đó, theo số liệu từ FiinPro, tính đến giữa tháng 6 đã có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương gần 102.600 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phần trong năm nay.
Cũng theo FiinPro, tính đến cuối tháng 5/2021, lượng vốn cổ phần mà các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành đến cuối năm là 82,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 7,6 tỷ cổ phiếu, gấp 4,1 lần về giá trị so với lượng vốn cổ phần đã phát hành kể từ đầu năm nay.
Tính riêng trong 2 quý cuối năm, có ít nhất 7 tỷ cổ phiếu ngân hàng, được xem như dòng cổ phiếu "vua" dội sàn chứng khoán. Lợi nhuận khủng, cộng với tỷ lệ chia cổ tức khủng bằng cổ phiếu đã khiến dòng cổ phiếu này có mức tăng từ 50 đến 100%.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành thép, chứng khoán... cũng phát hành thêm cổ phiếu chủ yếu từ việc chia cổ tức, cộng với việc nhiều doanh nghiệp có xu hướng thu hút nguồn vốn để đẩy mạnh kinh doanh sau đại dịch đã tăng vốn điều lệ lên gấp 2-3 lần, càng tạo đà cho nguồn cung cổ phiếu thêm dồi dào.
Nếu kế hoạch phát hành của các doanh nghiệp thành công, có thể nói năm nay sẽ là năm đạt đỉnh về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết.
Hàn thử biểu của thị trường
Theo các chuyên gia, việc lượng cổ phiếu khủng dự kiến dồn về là một trong những thử thách "cam go" của thị trường trong hai quý cuối năm nay.
Xét ở phương diện cung - cầu, khi nguồn cầu quá lớn, thị trường không kịp hấp thụ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, hiện tại "sức cung của thị trường vẫn đang tăng cùng nhịp với lực cầu".
"Nếu lượng cung lớn này xảy ra, đồng nghĩa lực cầu đủ mạnh để hấp thụ lượng hàng lớn thì nguy cơ bong bóng sẽ khó xảy ra", nhóm tác giả cho biết và nhận định: "Nói như vậy, nhưng chúng ta không chủ quan và coi thường, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã xuất hiện dấu hiệu tăng "khá nóng'". "Rủi ro" và "thách thức" là những từ nhóm tác giả dành cho thị trường hiện tại.
Đồng quan điểm với nhóm tác giả, báo cáo của VNDirec cho biết: "Với mức thanh khoản thị trường bình quân hiện nay vào khoảng 1 tỷ USD/phiên, chúng tôi cho rằng nguồn cung cổ phiếu này chưa gây sức ép lớn lên thị trường như trong giai đoạn 2014-2019, tuy nhiên rủi ro này vẫn cần phải được theo sát sao".
Trong khi đó, theo Fiin Group: "Việc phát hành này sẽ làm cho yếu tố rủi ro pha loãng tăng cao".
Một điều khó chối cãi là khi nguồn cung cổ phiếu dồi dào chính là yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường, giúp thị trường đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Và đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp "ăn nên làm ra", bởi "nhà nghèo" lấy gì mà chia chác.
Tuy nhiên, trước thị trường rộng lớn các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo. Các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần xem xét kỹ nội tại hoạt động cũng như kế hoạch phát hành, chia cổ phần của mỗi doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp "tô hồng" kết quả kinh doanh nhằm thu hút nhà đầu tư nhưng thực tế lại không được như vậy.
Nếu họ chỉ thu tiền về mà không có một chiến lược kinh doanh hay kế hoạch sử dụng cụ thể, mà chỉ nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn tiền hoặc trả nợ trước đó thì trước sau gì, cổ phần của công ty đó sẽ khó được giá, thậm chí bị sụt giảm và người gánh chịu hậu quả là các nhà đầu tư.
Do đó, việc tìm hiểu về doanh nghiệp, tài sản hiện có, cũng như phương thức kinh doanh của mỗi doanh nghiệp là cách để người chơi chứng khoán tránh rủi ro về sau.
Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp: "Nồi cháo đã to hơn, loãng ra nhiều. Nồi cháo này phải cần thời gian cho thêm thịt thà mắm muối, chính là gia tăng lợi nhuận cho các năm tới thì mới ngon được. Bát cháo mà chúng ta nhận phụ thuộc vào chính doanh nghiệp, vào chính kết qua kinh doanh trong các quí cuối năm và năm 2022".