Phó Thống đốc: Tín dụng bất động sản vẫn tăng gần 25%, không có chủ trương 'siết'
(DNTO) - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, khẳng định NHNN chưa có văn bản nào về việc 'khóa' tín dụng bất động sản, mà chỉ kiểm soát chặt đối với một số phân khúc rủi ro, tỷ lệ đầu cơ lớn, để đảm bảo an toàn hệ thống.
Hàng loạt vấn đề nóng đang sôi sục thị trường bất động sản. Tiền đang ở đâu? Doanh nghiệp kêu đói vốn. Thanh khoản cạn kiệt, thị trường gần như đóng băng. Quan trọng hơn, 119.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong năm nay sẽ ra sao?
Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính Việt Nam đang đổ dồn vào Hội nghị về tín dụng lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức sáng 8/2.
Tại Hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, mặc dù thời gian qua, thị trường bất động sản xuất hiện mất cân đối cung cầu, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp, xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ, sai phạm của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp dẫn tới khủng hoảng mất niềm tin trên thị trường này… Song, không có chuyện ngành ngân hàng siết tín dụng với lĩnh vực này.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản là cao nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các lĩnh vực. Theo Phó thống đốc, năm 2022, thậm chí có những doanh nghiệp bất động sản tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68 - 70%, trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.
Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng: Kinh doanh bất động sản tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%.
Theo phân khúc, dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, những phân khúc khác là 13,77%.
“Một số doanh nghiệp, Hiệp hội nói NHNN siết chặt tín dụng bất động sản, nhưng tôi khẳng định lại, NHNN chưa có văn bản hay tuyên bố nào chặt tín dụng bất động sản. NHNN chỉ ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao có tính đầu cơ, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng bất động sản phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào.
Hiện nay, các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì vẫn được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề "room tín dụng" cho lĩnh vực bất động sản, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2022, chỉ số room tín dụng đến cuối năm cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đã gần đáp ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, cũng như nhu cầu vốn kỳ vọng cho tất cả lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực bất động.
Ở thời điểm nhiều doanh nghiệp đề nghị nới room tín dụng thì thực tế các ngân hàng vẫn chưa hết room. Đến cuối năm 2022, khi gần hết room, NHNN đã quyết định nới thêm 1,5-2% hạn mức tăng trưởng, nhưng thực tế hệ thống cũng không dùng hết mức tăng thêm này.
“Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng thực tế của nền kinh tế so với dự báo NHNN đưa ra đầu năm cũng không có nhiều sai số, và nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn được đáp ứng đủ”.
Về room tín dụng năm 2023, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết định hướng của NHNN là tăng khoảng 14-15%. Trong số này, không có room cho các lĩnh vực ngành kinh tế cụ thể và chỉ có room chung đặt ra để định hướng điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với thực trạng của thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Đầu năm không ngân hàng nào thiếu room, nên hiện tại nếu doanh nghiệp không vay được vốn không phải câu chuyện của room tín dụng”, Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh.