Nước đi mới trên ‘bàn cờ’ xuất khẩu

(DNTO) - Vân Nam (Trung Quốc) sẽ được xem như một thị trường quốc gia mới, hay Nam Phi, Ấn Độ…, cũng là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam sẽ đẩy mạnh tấn công trong chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tiếp cận với nhiều thị trường giúp cho nhiều phân khúc hàng Việt đều có thể xuất khẩu. Ảnh: T.L.
Chia đều rủi ro
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vượt mốc 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng nhìn nhận, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại nhiều thị trường nhập khẩu hàng đầu thế giới, trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ, nơi có những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đó, những cú sốc chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục đẩy giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, kéo theo giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao.
Vì vậy, việc đa dạng hóa thị trường, khai thác các thị trường mới là một trong những giải pháp trọng tâm mà Bộ Công thương đặt ra để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2023. Bởi việc phụ thuộc xuất nhập khẩu vào một vài thị trường là rất rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động.
Như trong 3 năm vừa qua, việc Trung Quốc thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, thường xuyên đóng cửa khẩu đã khiến cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm của nước ta liên tục đối diện với tình trạng ùn tắc. Doanh nghiệp phải chi số tiền lớn đưa hàng lên biên giới, chực chờ ở cửa khẩu nhưng cuối cùng cũng không được thông quan, phải đổ bỏ do bị hư hại hoặc đưa trở lại nội địa và bán hạ giá.
Ở thị trường Mỹ và châu Âu, mặc dù xuất nhập khẩu với các thị trường này vẫn tăng trưởng trong những năm qua, nhưng lại đang đối diện với tình trạng lạm phát và tồn kho cao. Điều này ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá, trong đó các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Do đó, việc đa dạng thị trường và ngành hàng xuất nhập khẩu giúp chúng ta đạt được mục tiêu kép trong xuất nhập khẩu. Một mặt giúp hàng chất lượng cao có thể thuận lợi tiếp cận với thị trường khó tính, những hàng hóa bình dân cũng có thể tiếp cận với thị trường nhỏ hơn.
Mặc khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu từ nhiều thị trường khác nhau, tránh trường hơp bị “ép giá” khi phụ thuộc vào một thị trường. Điều này rất quan trọng trong sản xuất cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm.
Những mũi tiến quân mới

Ngoài những thị trường truyền thống, những thị trường "ngách" như châu Phi sẽ được chú trọng. Ảnh: T.L.
Kế hoạch tấn công sang những thị trường mới đang được lên chi tiết và bài bản. Ngay cả trong thị trường truyền thống như Trung Quốc, cũng sẽ có những khu vực mới được tập trung khai thác như Vân Nam.
“Ở Trung Quốc, Quảng Tây và Vân Nam có dân số tương đương (khoảng 50 triệu dân), nhưng quy mô thương mại của Việt Nam và Vân Nam năm ngoái chỉ đạt 3,2 tỷ USD, bằng 10,8% so với Quảng Tây (gần 30 tỷ USD). Chúng ta và Quảng Tây quan hệ tốt rồi, vì vậy trong năm 2023 và các năm tiếp theo, chúng tôi đặt trọng tâm quan hệ thương mại với Vân Nam như một thị trường quốc gia mới”, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết.
Tại khu vực Nam Á, thị trường Ấn Độ tiếp tục được Việt Nam đặt mục tiêu xâm nhập nhiều hơn. Đây là thị trường lớn (1,4 tỉ dân), nhập khẩu khoảng 560 tỷ USD mỗi năm nhưng hiện hàng hóa từ nước ta sang thị trường này mới chỉ đạt 8 tỷ USD, chiếm 1,4 %. “Chúng ta sẽ tấn công thị trường Bangladesh, Pakistan như là bàn đạp thúc đẩy xuất khẩu sang Ấn Độ”, bà Oanh nói.
Một thị trường mới nổi đầy tiềm năng khác phải kể đến châu Phi khi Việt Nam mới chỉ chiếm 0,6% thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD của châu Phi mỗi năm. Trong đó, Nam Phi là thị trường được quan tâm đặc biệt vì không xuất khẩu mà đây là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước.
Đại diện Vụ thị trường châu Á- châu Phi cũng cho biết, bản ghi nhớ MOU Khoáng sản giữa Việt Nam và Nam Phi hiện đã hoàn tất và khi được kí kết sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu nguyên liệu khoáng sản phục vụ sản xuất trong nước. Ngoài ra, FTA với Isarael dự kiến được ký kết trong năm nay; FTA với UAE cũng sẽ được khởi động đàm phán để mở ra cơ hội hợp tác cho khu vực Trung Đông.
Ngoài việc mở rộng thị trường, Vụ thị trường châu Á - châu Phi cũng cho biết trước hết phải giữ vững xuất khẩu như hiện có. Ngoài việc đảm bảo chất lượng và khả năng lưu thông cho hàng hóa, thì đầu vào cho sản xuất cũng cần đa dạng như nguyên liệu dệt may đến từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc; nguyên liệu cho ngành chế biến thuỷ sản từ khu vực Nam Á, Đông Nam Á hay nguyên liệu khoáng sản từ một số nước châu Đại dương và châu Phi…
“Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia trong việc ứng phó với chính sách áp thuế cacbon của EU (CBAM) để làm cơ sở báo cáo Chính phủ và thông tin cho doanh nghiệp”, bà Oanh nhấn mạnh.