Cùng đền bù tranh chấp nhưng doanh nghiệp Việt vẫn lép vé trước Thái Lan vì điều này

(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp Việt chậm chễ trong hoàn thành nghĩa vụ đền bù khi xảy ra tranh chấp có thể làm giảm uy tín của chúng ta với đối tác EU.

Hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn cần nhiều tháo gỡ về thủ tục hành chính, hải quan để thuận lợi khi thông quan và ngay cả khi tái xuất trở lại. Ảnh: T.L.
Ngày 31/2, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023, nhằm thông tin về thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đến với doanh nghiệp.
Chia sẻ trong Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết, định kỳ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này. Việc này là hết sức bình thường, và sẽ có những sản phẩm tăng cường kiểm soát nhưng cũng có những sản phẩm được gỡ bỏ kiểm soát. Do vậy chỉ vài doanh nghiệp vi phạm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng vì dù các doanh nghiệp khác có làm tốt nhưng cũng sẽ bị tăng cường kiểm soát từ EU do “phốt” từ những người trước.
Bà Thúy cũng cho biết, hiện các nước trong khối EU đang tăng cường chương trình kiểm tra. EU ban hành quy định 2022/741 ngày 13/5/2022 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của EU trong giai đoạn 2023-2025, để đảm bảo tuân thủ mức dư lượng bảo vệ thực phẩm tối đa và đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng với dư lượng thuốc trong sản phẩm thực phẩm.
Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra gồm một cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, sữa bò, gạo, trứng gà… Ngoài việc bị kiểm tra tại cửa khẩu, các sản phẩm này sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên tại siêu thị để kiểm tra. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì các cơ quan hữu quan sẽ đến trực tiếp tại kho hàng nhập khẩu để kiểm tra.
Tuy nhiên gần đây, một số lô hàng gạo của Việt Nam đã bị yêu cầu thu hồi khỏi thị trường EU do vượt quá mức quy định về dư lượng thuốc bảo vệ trực vật. Điều này buộc doanh nghiệp phải tái xuất về Việt Nam vì nếu tiêu hủy tại chỗ thì sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc sản phẩm bị thu hồi và đăng tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh hàng hóa Việt Nam, vốn đã khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh tại các thị trường khó tính này.
Chưa kể, việc đưa hàng về Việt Nam hiện nay là hết sức khó khăn. Nếu hàng bị kiểm tra tại cửa khẩu và trả về ngay thì thủ tục không phức tạp. Nhưng trong trường hợp gần đây, hàng nhập khẩu vào EU cả một năm mới bị thu hồi và trả về. Lúc này, thủ tục tái nhập rất phức tạp. Lô hàng về tới Việt Nam sau hơn 2 tháng mới được thông quan và hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để doanh nghiệp Việt Nam trả lại tiền hàng cho doanh nghiệp Na Uy.
“Riêng vấn đề này thực sự chúng ta thua doanh nghiệp Thái Lan. Vì đối với các trường hợp tranh chấp như thế này, chưa biết như thế nào nhưng doanh nghiệp Thái Lan ngay lập tức trả lại tiền đền bù cho đối tác. Nhưng doanh nghiệp Việt thì vẫn phải đợi thủ tục hải quan xong mới bắt đầu đền bù. Đó là lý do nhiều đối tác EU rất ngại làm việc với doanh nghiệp Việt Nam”, bà Thúy cho biết.
Do vậy, đại diện Thương vụ đề nghị Bộ làm việc với Tổng cục Hải quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục tái nhập trong trường hợp hàng xuất khẩu bị thu hồi trong thời gian sớm nhất. Điều này giúp doanh nghiệp Việt sớm hoàn thành nghĩa vụ với doanh nghiệp bạn, không để làm mất uy tín hàng hóa Việt Nam.

EU kiểm định ngày càng gắt gao mặt hàng thực phẩm khi xuất khẩu vào thị trường này. Ảnh: T.L.
Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam cũng cho biết, hiện nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đã có chứng nhận hữu cơ như gạo, sữa, điều, tiêu, cà phê và một số loại gia vị đặc biệt. Tuy nhiên sản lượng sản xuất chưa lớn, hiện phần lớn sản phẩm chủ yếu xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Các doanh nghiệp đã sản xuất sản phẩm chế biến sâu có đóng gói và xây dựng thương hiệu nhưng chưa tiếp cận được sâu vào thị trường người tiêu dùng cuối cùng. Một số tiếp cận xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử như Amazon, Alibaba nhưng chưa được nhiều.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn hữu cơ tại Mỹ và châu Âu chưa chấp nhận các tiêu chuẩn của Việt Nam. Vì vậy theo ông Đức, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ để các tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa hơn so với quốc tế, phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra các nhà sản xuất Việt Nam tiếp cận các nhà phân phối bán lẻ có thương hiệu cần có câu chuyện nhà sản xuất và người sản xuất Việt Nam.
“Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp Mỹ thường nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu vì nơi đây có sự kiểm soát dư lượng hóa chất, vật tư đầu vào tốt hơn; họ chưa tin tưởng lắm các sản phẩm Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Bắc Mỹ vì Mỹ và Canada là hai thị trường hữu cơ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% thị trường hữu cơ toàn cầu”, ông Đức nhấn mạnh.