Nốt trầm cho ngành công nghiệp ô tô thế giới
(DNTO) - Tình trạng thiếu chip đã tạo nên sự sụt giảm lớn trong doanh số bán ô tô toàn cầu, nhất là tại Mỹ. General Motors, Toyota, Honda hay Nissan đều đang gặp bất lợi trong chuỗi cung ứng khiến sản lượng giảm, hàng tồn kho tăng. Bóng ma lạm phát đã bắt đầu tác động thị trường 4 bánh?
Những tên tuổi lớn làng xe hơi như General Motors, Toyota hay Honda thời gian gần đây đều báo cáo doanh số bán hàng trong quý II sụt giảm đáng kể, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Đó là chưa tính trong hai năm qua ngành công nghiệp bốn bánh đã sản xuất ít hơn lượng xe mà người tiêu dùng muốn mua. Sức ép dữ dội ấy đang được quy cho lạm phát, lãi suất tăng, suy thoái và nhất là tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu.
Những tên tuổi 4 bánh vừa kể, cộng thêm cả Nissan và Stellantis đều chung bức tranh tối màu trong những tháng vừa qua. Cụ thể, doanh số G.M. giảm 1/3 so với một năm trước đó khi thiếu chip khiến các chi nhánh sản xuất phải “ngồi chơi xơi nước”, nhóm đại lý rút lui và khách hàng ngao ngán vì chờ đợi. Hãng chỉ bán được 446.997 chiếc so với 665.192 xe tải nhẹ và ô tô. Còn Honda cho biết doanh số bán hàng tại Mỹ của họ đã giảm 51% xuống còn 239.789 xe. Toyota tuy có mức tăng nhẹ trong quý đấy, nhưng doanh số bán cũng giảm mạnh khi buộc phải cắt giảm sản lượng toàn cầu. Tất cả đều do bị “chíp hành", hay gián đoạn nguồn cung cấp linh kiện do Covid-19. Đâu đâu cũng đang nghe lời than thở “không có đủ xe để bán!”.
Thuật ngữ “chip bán dẫn” đã thành “ngáo ộp” làng công nghiệp ô tô từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành, khiến nhiều nhà sản xuất ô-tô trên thế giới phải đóng cửa nhà máy hoặc cắt giảm đơn đặt hàng do đói chip. Ngành công nghiệp bốn bánh càng lao đao hơn khi các nhà sản xuất máy tính xách tay, bảng điều khiển trò chơi và các thiết bị điện tử cũng nhao nhao thu gom chip, nhân cơ hội doanh số bán sản phẩm của họ tăng cao hầu đáp ứng kịp nhu cầu người tiêu dùng. Guồng máy sản xuất chip nay đang không bắt kịp lượng ra đời của ô-tô!
Hồi dịch mới chớm, các hãng xe còn làm ăn được chút ít nhờ các gói kích thích của chính phủ. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng chậm trễ trong sản xuất và hàng tồn kho cạn kiệt đang làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, cộng thêm sự hỗ trợ từ nhà nước suy yếu và lực chi tiêu của người tiêu dùng bị các biến thể virus cản lại. Mức tồi tệ càng hằn nét khi công ty dự báo IHS Markit vừa hạ mức ước tính tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong quý III xuống, chỉ 0,4% hàng năm, giảm so với mức 12% trong quý thứ hai.
Để gỡ gạc, các nhà sản xuất ô-tô đang phải cố gắng sử dụng các linh kiện điện tử còn sẵn trong kho cho các phương tiện nào hiện mang lại lợi nhuận cao nhất, chẳng hạn như xe bán tải và xe thể thao đa dụng cỡ lớn. Nhưng trong vài tháng gần đây, những mô hình này cũng bị ảnh hưởng thấy rõ: càng ít xe lăn bánh ra khỏi dây chuyền lắp ráp, hàng tồn kho càng chất đống và các đại lý càng “đói” xe. Thậm chí Kenosha Toyota ở Wisconsin chỉ còn thuần một dòng xe để bán, đó là loại bán tải Tacoma dẫn động hai bánh. Tiếng tăm như Chevrolet mà ở vùng ngoại ô Ann Arbor ở Michigan thương hiệu này cũng chỉ khiêm tốn trưng bày 11 mẫu xe mới để chào hàng… qua trang web của hãng!
Thế nhưng, vẫn còn “ánh sáng cuối đường hầm”. Các nhà sản xuất ô tô và giới đại lý đều tin, đâu đó còn có thể thu về lợi nhuận do lượng hàng tồn kho khan hiếm sẽ buộc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn. Chính J.D. Power cũng ước tính rạch ròi, giá bán trung bình của một chiếc xe mới của họ hiện nay là 42.802 đô la, tăng hơn 12.000 USD so với cùng tháng năm 2020, nghĩa là cơ may vẫn chưa hết! Bên cạnh đó còn một cửa ngách khác: với lượng xe mới khan hiếm, giá xe cũ sẽ tăng vọt.
Cuối cùng, “cái khó ló cái khôn”, một số nhà sản xuất đã loại bỏ khỏi xe một số tính năng vốn cần chíp đặc dụng. Chẳng hạn, Honda cho xuất xưởng những chiếc xe không có cảm biến đỗ xe tiên tiến. Còn Volkswagen tung ra các mẫu xe không có màn hình điểm mù vốn trước đây thường hiện diện ở mặt hàng của hãng.