Những lưu ý chiến lược giúp doanh nghiệp thoát cảnh nộp đơn phá sản
(DNTO) - Tinh gọn, xây dựng quy trình làm việc rõ ràng, chuyển đổi số tới nơi tới chốn… giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả quản trị và kinh doanh tốt hơn.
Năm 2023, thị trường ghi nhận có 217.700 doanh nghiệp mới, tăng 4,5% so với năm trước đó. Nhưng ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường là 172.600, tăng 20,5% (theo Tổng Cục Thống kê).
Mặc dù nhiều dự báo cho rằng năm 2024 kinh tế thế giới và Việt Nam đều có dấu hiệu phục hồi, nhưng áp lực còn rất lớn. Cạnh tranh trên thị trường vì thế cũng gia tăng khi yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe. Năm 2024 vẫn được nhận định là năm khó khăn với các doanh nghiệp, nếu không có những chiến lược đúng, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng.
ThS. Nguyễn Thế Trung, CEO của Công ty Cổ phần Tư vấn John&Partners, nhận định năm 2024, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự kiến tăng cao. Vì vậy những doanh nghiệp liên quan đến dòng vốn này như khối đầu tư công có thể đi trước và kéo kinh tế Việt Nam tốt hơn vào giai đoạn 2025-2026.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản, các cửa hàng hiện đang treo biển cho thuê lại mặt bằng. Giá bất động sản cho thuê khu vực trung tâm thành phố cũng điều chỉnh giảm. Điều này cho thấy dòng tiền của doanh nghiệp vẫn khó khăn. Dòng tiền doanh nghiệp liên quan đến thị trường vốn, phát hành trái phiếu mới, thị trường cho vay…vẫn chưa được gỡ. Đây là điểm doanh nghiệp cần cân nhắc trong chiến lược 2024 của mình.
Ông Trung khuyến nghị chiến lược đầu tiên doanh nghiệp phải có trong "rổ chiến lược" năm 2024 là “tinh gọn”. Thực tế, chiến lược này được nói đến rất nhiều trong vài năm trở lại đây, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng thời điểm hiện tại gần như không còn lựa chọn nào khác cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít khi được tiếp cận đến khái niệm này. Họ cần phải hiểu rõ thế nào là chiến lược tinh gọn cho doanh nghiệp mình, không chỉ đơn thuần là cắt giảm nhân sự.
“Khái niệm đơn giản nhất của tinh gọn là giảm lãng phí trong quy trình. Rất nhiều doanh nghiệp tự tin rằng mình đã tinh gọn. Tuy nhiên tất cả điều này đều phải dựa trên thước đo. Cần phải xem doanh nghiệp có bao nhiêu bộ quy trình đã làm ra, để khi phải thay nhân sự, các nhân sự mới sẽ tiếp nhận công việc rất nhanh, không ảnh hưởng đến vận hành của doanh nghiệp. Vận hành doanh nghiệp phải dựa trên quy trình chứ không phải dựa vào con người và trí nhớ”, ông Trung nói.
Theo vị chuyên gia, các câu hỏi doanh nghiệp cần đặt ra trong năm nay là đã tinh giảm được bao nhiêu? Các điểm chạm, các khâu được cắt giảm hay chưa? Tinh gọn liên quan đến chuyển đổi số. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ chuyển đổi số tới giám đốc, không đến tổng giám đốc. Có nghĩa các khối, các phòng ban chuyển đổi số nhưng khi lên trên vẫn phải in giấy tờ. Đây là những điểm sẽ tắc khi chuyển đổi số.
“Khi tuyển dụng, doanh nghiệp nên hỏi ứng viên rằng có thể lương họ thấp hơn một chút nhưng họ có môi trường làm việc chuyển đổi số, làm việc nhanh gọn, hiệu quả hơn, có thể làm ở bất cứ đâu, thì họ có chấp nhận không? Tôi từng làm thử việc này và 90% số ứng viên đều đồng ý”, ông Trung gợi ý.
Theo TS Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Học viện Kingsman, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, câu chuyện chiến lược quá phức tạp, mênh mông. Nhưng nếu hiểu được chuyển đổi số thì lãnh đạo có thể ra quyết định rất nhanh và trong quá trình chuyển đổi số sẽ vào cuộc, vì họ hiểu từng đầu việc sẽ làm, từng đồng tiền chi ra và có hiệu quả không.
Còn các doanh nghiệp lớn, chủ yếu họ đưa ra câu chuyện về ý tưởng, tầm nhìn rất lớn nhưng bản chất khi gặp trục trặc bên dưới, để đội ngũ lãnh đạo cấp cao đưa ra quyết định thay đổi hay tiếp tục, thậm chí dừng lại cũng mất rất nhiều thời gian.
“Tôi có buổi đào tạo với EVN, đơn vị làm chuyển đổi số rất sớm và đạt khá nhiều thành tựu. Nhưng khi tiếp xúc với các lãnh đạo cấp trung, họ gặp rất nhiều vấn đề khó khăn về quy trình làm việc”, ông Dũng nêu ví dụ.
Theo vị này, người lãnh đạo cần làm được 4 việc: có niềm tin và truyền được niềm tin cho người xung quanh, có tầm nhìn, có chiến lược thực thi tầm nhìn và phát huy tiềm năng của đội ngũ và tích hợp giá trị của đối tác.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể làm được cả 4 việc đó. Nhưng với doanh nghiệp lớn, 4 vai trò đó phân rã trong nhiều người khác nhau. Làm sao để tập hợp hết về một mối để đưa ra quyết định cần sự nỗ lực rất lớn của những người lãnh đạo và phải có quy trình làm việc trơn tru.
“Ví dụ từ bản thân chúng tôi, là doanh nghiệp nhỏ nên tôi có mặt ở các hội thảo, học hỏi các chuyên gia và kết hợp với đội ngũ đang rất yếu, chậm, nhiều vấn đề của chúng tôi để giải quyết việc đó”, ông Dũng nói.