Những biến động của kinh tế thế giới và khả năng thích ứng của Việt Nam
(DNTO) - Kinh tế thế giới hiện đang ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp đan xen, vừa có sự khởi sắc phục hồi khi sống chung với đại dịch Covid-19, vừa có những thách thức, rủi ro, bất định.
Sự khởi sắc của kinh tế thế giới có thể thấy rõ qua những dấu hiệu quan trọng. Nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế lớn đã có sự phục hồi tích cực.
Theo IMF, năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu là 84.700 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng là -3,1%, thì năm 2021 tăng trưởng trung bình của thế giới đã đạt mức hơn 5%, trong đó Mỹ là 6%, Trung Quốc 8%, khu vực đồng tiền chung châu Âu 5%, Nhật Bản 2,4% và Ấn Độ 9,5%.
Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2020 ở mức 15.580 tỷ USD, giảm 8% so với năm trước, thì kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2021 đã tăng 8%, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2021 tăng 10-15%.
Bên cạnh đó, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ cũng có nhiều khởi sắc do sự tiến bộ đột biến và phổ biến của việc ứng dụng khoa học công nghệ. Số hóa trong sản xuất và lưu thông hàng hóa đã trở thành xu hướng mới trên khắp thế giới. Việc mua bán trực tuyến, giao nhận hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng đã rút ngắn quá trình luân chuyển hàng hóa và góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như thu hút việc đầu tư vào phát triển các chuỗi cung ứng.
Mặc dù kinh tế thế giới có dấu hiệu quay trở lại quỹ đạo phát triển trung và dài hạn nhưng do sự cạnh tranh lợi ích của các nước lớn và các biến động về chính trị, quân sự, an ninh, trật tự thế giới làm cho kinh tế thế giới lại hứng chịu những biến động dữ dội.
Cuộc đọ sức giữa chính sách ngăn chặn và chống ngăn chặn thể hiện giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chi phối toàn bộ các lĩnh vực đầu tư, thương mại, biến đổi khí hậu, an ninh y tế… Việc xây dựng các quy tắc kinh tế thương mại làm hạn chế Trung Quốc trong khuôn khổ WTO là một trọng tâm để Mỹ thực hiện ngăn chặn Trung Quốc và ảnh hưởng đến thị trường thế giới.
Trong khi cạnh tranh kinh tế thương mại Mỹ - Trung chưa có điểm dừng thì kinh tế thế giới thêm một phen quay cuồng vì sự kiện khủng hoảng ở Ukraine. Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và châu Âu đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mà trước đây chưa từng được thực hiện. Việc đóng băng quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đã dẫn tới xung đột ở trung tâm hệ thống tiền tệ quốc tế.
Thế giới đang rơi vào cuộc chiến tài chính và kinh tế giữa Nga với Mỹ và EU. Cùng với đó là sự đứt gãy của các chuỗi kinh tế giữa cung với cầu các mặt hàng thiết yếu. Trong cuộc chiến thương mại, EU cũng chịu thiệt hại nặng nề vì phải nhập khẩu từ Nga 40% lượng khí đốt và 30% lượng dầu mỏ. Ngoài ra, Nga là nước chủ lực xuất khẩu sang EU lúa mì, sắt, nhôm, niken, bạch kim… đều là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp. Khi ngắt nguồn cung ứng từ Nga, EU sẽ phải nhập nhiên liệu từ Mỹ và Trung Đông và các nước từ nơi xa khác nên đẩy giá lên cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Cắt đứt mối quan hệ làm ăn với Nga sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ. Ngay cả nhiều nhà đầu tư phương Tây muốn rút khỏi Nga cũng bị mắc kẹt, không hề dễ dàng. Điều đó chỉ có lợi cho Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Cũng cần khẳng định rằng, cuộc đại cấm vận này không thể kéo dài, phụ thuộc chính vào diễn biến của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Tất cả tình hình kinh tế thế giới nói chung và những biến động mới nổi lên hiện nay đều tác động nhiều mặt, nhiều chiều đến kinh tế nước ta. Trên cơ sở dự báo, nắm bắt và phân tích đúng tình hình, nhận rõ những điều kiện thuận lợi và thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức đang đặt ra, Đảng và Chính phủ đã đưa ra những quyết sách và chủ trương đúng đắn với các giải pháp hữu hiệu để thích ứng với tình hình, đưa nền kinh tế phát triển.
Bởi vậy, mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều yếu tố tích cực, đạt được những kết quả toàn diện. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang gia tăng, chuỗi cung ứng liên tục được đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, Việt Nam trở thành lựa chọn tiêu biểu của nhiều nhà đầu tư.
Năm 2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%. Kinh tế Việt Nam hiện có quy mô đứng thứ 40 trên thế giới, thứ 4 trong ASEAN. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ - thông tin, Việt Nam đã vượt qua nhiều nước phát triển và đứng trong các nước hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động, thiết bị điện tử.
Như vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở để lạc quan về sự thích ứng, lớn mạnh và khả năng phát triển tốt đẹp của nền kinh tế đất nước. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, các doanh nhân Việt Nam, trong đó có đội ngũ doanh nhân trẻ nhanh chóng nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để đạt những thành công mới trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.