Nhiều thông tin vĩ mô cận kề, nhà đầu tư 'cảnh giác' với yếu tố nào?
(DNTO) - Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất, Chủ tịch Fed chuẩn bị phát biểu tại Hội nghị Jacson Hole, hay chỉ số PMI châu Âu sắp sửa lộ diện, điều gì khiến nhà đầu tư cần lưu ý?
Trong tuần này, thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều áp lực của các yếu tố vĩ mô. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi VN-Index trong xu thế đi xuống, kết phiên ngày 22/8 đã giảm hơn 8 điểm, thì thị trường thường sẽ "nhạy cảm" trong tâm lý chờ đợi nghe ngóng của nhà đầu tư.
Tiêu điểm trong tuần này là bài phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell tại hội nghị ngân hàng trung ương ở Jackson Hole vào thứ Sáu, ngày 26/8 tới. Hội nghị dự kiến kéo dài hai ngày ở vùng núi Grand Teton, Wyoming, Mỹ, nơi được Fed sử dụng làm địa điểm công bố các chính sách quan trọng và cũng là nơi quy tụ các nhà hoạch định chính sách hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Reuters dẫn tin, Kenny Polcari, đối tác quản lý của Kace Capital Advisors, người đã có nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến trên sàn chứng khoán, cho biết: "Jackson Hole sẽ cho Powell cơ hội để thiết lập lại câu chuyện lãi suất. Tuy nhiên, Fed sẽ tiếp tục cảnh giác và hành động tích cực hơn".
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng 7 cũng được Fed mới công bố đang cho thấy tổ chức này cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới khác vẫn đang trong quá trình tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát. Theo dự đoán của các chuyên gia, kỳ tiếp theo vào tháng 9 được kỳ vọng với mức tăng từ 50 đến 75 điểm cơ bản.
Câu chuyện về Fed tăng lãi suất chắc chắn sẽ tác động đến thị trường quốc tế và trong nước. Thị trường trong nước thường có độ trễ nhất định so với chứng khoán thế giới, nên ảnh hưởng có thể chậm hơn chút.
"Trong giai đoạn tới, khả năng định giá lại các kênh tài sản có mức neo theo các lãi suất dài hạn tiếp diễn. Đây cũng là yếu tố vĩ mô có thể tác động đến thị trường mà nhà đầu tư cần cân nhắc đến", chuyên gia của Chứng khoán VCBS nhận định.
Nhà đầu tư cần dùng tín hiệu vĩ mô từ lãi suất và dòng tiền ngân hàng trung ương để làm định hướng cho đầu tư là điều nhiều chuyên gia khuyến nghị. "Nếu Fed phát tín hiệu tăng lãi suất hay các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ như thời điểm đầu tháng 1 đến nay thì thị trường nhìn chung sẽ chậm lại", ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Phát triển vốn và đầu tư LCTV nhận định.
Một thông tin nữa cần lưu ý là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo tiếp tục giảm lãi suất, theo đó lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm giảm 5 điểm cơ bản từ mức 3,7% xuống 3,65%, LPR kỳ hạn 5 năm giảm 15 điểm cơ bản xuống 4,3%. Cách đây mới một tuần, ngày 15/8, PBoC cũng thông báo giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm, tuy nhiên mới chỉ áp dụng với các tổ chức tài chính.
Động thái này ngoài mục tiêu cứu thị trường bất động sản nhằm vực dậy nền kinh tế, còn được xem là bàn đạp kích thích hàng hóa nước này xuất khẩu. Quy mô vốn hóa các doanh nghiệp xuất khẩu với Trung Quốc trên thị trường chứng khoán trong nước không lớn, do đó tác động tiêu cực đến thị trường sẽ không nhiều. Mặc dù vậy, khá nhiều nhà đầu tư lo lắng khi tâm lý nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi sự "đi ngược" này và thị trường không tránh khỏi tác động đến từ thị trường thế giới.
Cũng trong hôm nay, 22/8, chỉ số PMI châu Âu tháng 8 sẽ được công bố. Vào tháng 7 chỉ số này đã giảm PMI tháng 7, do đó tháng 8 được dự đoán sẽ không có gì sáng sủa.
Hiện tại, niềm tin người tiêu dùng châu Âu suy giảm nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tổng cầu thu hẹp lại và những nước xuất khẩu như Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động. Các doanh nghiệp dệt may, chế biến gỗ... sẽ khó duy trì được đơn hàng dồi dào như trước.
Với tình hình hiện nay, nhà đầu tư cần thận trọng, chiến lược đầu tư sẽ là "chú trọng rà soát lại danh mục, bám sát kĩ thị trường, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để giải ngân mua cổ phiếu với giá tốt với các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, dịch vụ tài chính", VCBS khuyến nghị