Tuần thứ sáu tăng điểm, thị trường ở trạng thái cần lưu ý
(DNTO) - Mất hơn 4 điểm trong phiên, VN-Index giằng co mạnh và phải chấp nhận lùi về mốc 1.269 điểm. Mặc dù xu hướng theo tuần vẫn là tăng điểm nhưng thị trường chứng khoán đã xuất hiện nhiều vấn đề cần lưu ý.
Sau phiên đáo hạn phái sinh đảo chiều như tàu lượn, thị trường giao dịch thận trọng và thăm dò. Cuối phiên sáng, VN-Index bật tăng mạnh hơn 6 điểm, những tưởng sẽ tạo đà cho thành công phiên cuối tuần, tuy nhiên vào phiên chiều, thị trường đảo chiều. Áp lực chốt lời dâng cao đẩy chỉ số đi xuống, mặc dù vậy VN-Index vẫn có tuần thứ 6 tăng điểm liên tiếp, tăng hơn 6 điểm trong tuần.
Thay thế nhóm ngân hàng hay chứng khoán, ngành dầu khí hôm nay chiếm lĩnh thị trường với đà tăng trung bình 2,8%, có thể kể đến như PVS tăng 4,26%, PVD tăng 4,21%... Riêng nhóm ngân hàng, VPB là mã duy nhất tăng điểm, với mức tăng gần 4%, khối lượng giao dịch đột biến với 31 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và trở thành mã đứng đầu sàn HoSE về khối lượng giao dịch.
Mã VPB chính là nhân tố dẫn đầu nâng đỡ thị trường, giảm bớt đà lao dốc của chỉ số trong phiên, bất chấp việc nhóm ngân hàng đỏ sắc với mức giảm trung bình 0,43%. Khối ngoại cũng quay đầu bán ròng, xả hàng các mã như KBC, DXG và VHM.
Có thể nói, thị trường chứng khoán đã ghi nhận một nhịp tăng khá dài kể từ đầu năm 2021 đến nay. VN-Index đã bật lên hơn 10% từ vùng đáy, mức tăng chậm nhưng bền bỉ và ngày càng cho thấy sự giằng co mạnh. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù chỉ số vẫn tiếp tục xu hướng tăng theo tuần, tuy nhiên, cổ phiếu đã suy yếu khá nhiều. Sự giằng co trong hai phiên liên tiếp gần đây càng cho thấy sự rủi ro của thị trường đang ngày càng lộ rõ.
Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Nhất Việt cho biết: "Thị trường đang ở trạng thái cần lưu ý".
Cụ thể, với các cổ phiếu dẫn đầu đã tăng 50-60% từ cuối tháng 6 chắc chắn sẽ gặp nhu cầu chốt lời mà lâu nay nhà đầu tư chờ đợi cơ hội, do đó VN-Index có thể vào gặp điều chỉnh bất kể thời gian nào.
Để nhận biết dấu hiệu của nhịp điều chỉnh, thứ nhất nhà đầu tư có thể nhìn vào cổ phiếu ngân hàng. Đây là cổ phiếu có vốn hóa lớn nên khi nhóm này điều chỉnh VN-Index cũng sẽ điều chỉnh theo. "Ngoài ra người chơi cũng cần để ý đến các cổ phiếu đi đầu tăng điểm trong giai đoạn hồi phục, thậm chí tăng trước khi VN-Index tạo đáy, như HAG, VGC... Nếu những mã này điều chỉnh thì cần lưu ý, nhất là khi chỉ số tiệm cận 1.280-1.300 điểm", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo quan điểm của chuyên gia, đợt tăng điểm này của thị trường chỉ là một nhịp hồi, vì vậy rủi ro vào giai đoạn cuối sẽ khó tránh. Khi được hỏi, liệu khi nào thị trường quay xe tăng điểm, ông cho biết điều này sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: chỉ số vĩ mô tốt và sự thay đổi chính sách trong nước.
Về vĩ mô, các yếu tố như CPI của Mỹ hiện đang ở đỉnh, vượt xa kỳ vọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), do đó câu chuyện Fed tăng lãi suất thời gian tới sẽ là điều khó tránh khỏi. "Fed có tăng vượt 3.4 hay 3.8% hay không? Nếu vượt 4% sẽ khốc liệt cho thị trường. Dù thế nào vẫn là câu chuyện tăng thì thị trường còn biến động", ông Hoàng chia sẻ.
Khi đó, áp lực sẽ xảy ra với gnân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Việt Nam. "Khi chính sách chưa thay đổi, tiền bị siết và yếu thì dòng tiền trên thị trường khó đi xa", chuyên gia phân tích.
Do đó, nhà đầu tư cần tiếp tục chờ đợi Fed, bám theo chỉ số CPI. Nếu CPI của Mỹ giảm về 4%, 5% hay 6% thì mới thị trường mới tạo đáy được, ông nhận định.