Trung Quốc hạ lãi suất, khó ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam
(DNTO) - Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất chỉ tác động đến đồng Nhân dân tệ, trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại có vốn hóa không lớn nên không gây bất lợi cho thị trường trong nước, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm của SSI nhận định.
Ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ hạ lãi suất cho vay sau những thông tin không mấy tích cực từ các số liệu của nền kinh tế mới được công bố. Quý 2, nền kinh tế nước này chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 1% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Theo đó, PBOC cắt giảm từ 2,1% về 2% với lãi suất các khoản vay ngắn hạn cấp cho các ngân hàng thương mại; lãi suất cho vay 1 năm cũng giảm từ 2,85% về 2,75% áp dụng cho các tổ chức tài chính. Cùng đó, PBOC đã đưa thêm 400 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường để cứu nền kinh tế.
Với phương châm chống dịch Zero Covid, Trung Quốc đã đóng cửa nền kinh tế trong nhiều tháng. Ngành bất động sản, lĩnh vực chiếm tới 30% tổng sản phẩm trong nước, lại đang rơi vào khủng hoảng khi làn sóng người mua nhà tạm dừng thanh toán thế chấp. Các doanh nghiệp bất động sản đói vốn, không thể xử lý được các khoản nợ. Giới chức nước này loay hoay tháo gỡ khó khăn thời gian qua.
Việc PBOC hạ lãi suất đang đi ngược với xu hướng hiện nay khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ để ứng phó với lạm phát. Là một nền kinh tế lớn trên thế giới, động thái này của Trung Quốc khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu có hay không sự tác động đến thị trường chứng khoán trong nước?
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, hiện tại thị trường chứng khoán trong nước không đồng pha với thị trường chứng khoán Trung Quốc mà về cơ bản lại đồng pha với chứng khoán Mỹ.
"Việc hạ lãi suất của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến đồng Nhân dân tệ, điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại có vốn hóa không lớn trên thị trường chứng khoán, do đó không tác động đến các điểm số của thị trường", ông Tâm nhận định.
Hiện thị trường tương đối có nét tương đồng với giai đoạn năm 2018, tức phục hồi sau một giai đoạn giảm sâu. Điểm khác là nếu giai đoạn 2018, các yếu tố tác động liên quan đến Mỹ và Trung Quốc thì hiện tại là lạm phát, tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị, còn mẫu hình kỹ thuật và vận động giá thị trường giống nhau.
"Khi thị trường đang trong trạng thái kỹ thuật là xu hướng tăng ngắn hạn, các nhà đầu tư cần tận dụng giao dịch ngắn hạn kiếm lời, bù lỗ cho các khoản mất mát trong quá khứ", ông Tâm cho biết.
Hiện tại, nếu hiểu kỹ thuật, nhà đầu tư sẽ có các cách mua rất hay như chờ đợi đến nền tích lũy hoặc giao dịch điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong phiên để gia tăng tỷ trọng. "Một vài phiên tới, VN-Index sẽ tiệm cận 1.285 điểm, sau đó sẽ tuân theo xu hướng chung hay hiệu ứng của dòng tiền. Khi vào vùng cản mạnh rồi thì việc dòng tiền chốt lời gia tăng là bình thường và sẽ có một nhịp điều chỉnh", ông Tâm cho biết thêm.
Theo nhận định của ông, xu hướng tăng sẽ vẫn được duy trì nhờ hai yếu tố: (1) Thanh khoản thị trường dồi dào hơn và (2) Sự hưởng lợi từ việc chứng khoán Phố Wall tăng điểm. "Hiện chỉ số S&P 500 đã vượt xa đường trung bình động 200 ngày, xác nhận xu hướng trung hạn của chỉ số, nên tôi có kỳ vọng dành cho thị trường trong nước", chuyên gia SSI nhận định.