Thị trường giằng co, một cổ phiếu vẫn tăng giá theo chiều thẳng đứng
(DNTO) - Tăng hơn 30% chỉ trong năm phiên, mã KPF tiếp tục có phiên thứ tư tăng trần liên tiếp đưa giá cổ phiếu leo dốc theo chiều thẳng đứng.
Từ vùng giá 10.600 đồng/cp ngày 10/8, sau hơn một tuần giao dịch, mã KPF của Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh đã chạm mốc 14.350 đồng/cp, tương đương với mức tăng 35%. Đặc biệt, mã này còn kéo dài liên tục 4 phiên tăng trần với lực mua áp đảo.
Kết phiên hôm nay, ngày 18/8, cổ phiếu KPF tăng 6,69%, với hơn 94.000 cổ phiếu dư mua và không có cổ phiếu ở chiều dư bán, lọt vào Top 5 những cổ phiếu tăng giá nhiều nhất trong phiên trên sàn HoSE đưa giá trị vốn hóa tăng hơn 200 tỷ đồng trong đợt điều chỉnh này.
Cổ phiếu của Hoàng Minh từng có giai đoạn đạt đỉnh hơn 24.000 đồng mỗi cổ phiếu, giai đoạn đầu năm 2018. Tuy nhiên sau đó, mã này liên tục điều chỉnh, có thời điểm giảm giá chỉ còn hơn 10.000 đồng mỗi đơn vị.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp này vừa thay đổi lãnh đạo chủ chốt tại Đại hội cổ đông năm 2022. Theo đó, ông Vũ Ngọc Hoàng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho ông Lê Thanh Bình. Vị này cũng đã mua 3,8 triệu cổ phiếu KPF trong tháng 5 theo phương thức thỏa thuận, trở thành cổ đông lớn nắm giữ 6,28% vốn.
Một cổ đông lớn khác của Hoàng Minh là bà Thái Thị Hải Yến, người vừa hoàn thành thương vụ mua 1,15 triệu cp KPF vào ngày 26/7 vừa qua, nâng sở hữu tại KPF lên 3.61 triệu cp, tương đương năm giữ 5,93% vốn.
Kết thúc quý 2, Hoàng Minh ghi nhận doanh thu thuần chỉ hơn 4 tỷ đồng, giảm đến 90% so với cùng kỳ, theo đó lãi ròng hơn 20 tỷ đồng, giảm 52%, nguyên nhân giải trình là do doanh nghiệp đã thoái một phần vốn tại công ty con là Công ty TTC Deluxe Sài Gòn khiến doanh thu giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KPF mới chỉ thực hiện được hơn 11% mục tiêu lợi nhuận sau thuế, với 8 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 23 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 81% và 49% so cùng kỳ.
Đà tăng điểm của KPF đã trái ngược với đà giảm của thị trường trong phiên. Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,62 điểm còn 1.273,66 điểm, HNX-Index giảm 1,4 điểm xuống 301 điểm, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm về 92 điểm.
Thị trường giằng co rung lắc trong ngày đáo hạn phái sinh dường như được dự đoán từ trước, đặc biệt sau khi thị trường đã trải qua một thời gian dài tăng điểm, việc điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu.
Nhóm chứng khoán nổi bật với mức tăng trung bình 2%, và là nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất trong phiên, đưa SSI, VND, HCM lọt Top 5 mã thanh khoản cao nhất thị trường. Cụ thể BSI tăng 6,7%, HCM tăng 4,81%, PSI tăng 4,5%, SSI tăng 2,24%, VND tăng 1,12%..., không có mã nào giảm giá.
Khối ngoại tích đẩy mạnh mua ròng với hơn 120 tỷ đồng giá trị mua ròng trên sàn HoSE. Các mã SSI, HDB, VND là ba mã được khối ngoại gom nhiều nhất. Chiều ngược lại, khối này lại xả mạnh VHM, KBC và HPG.