Chứng khoán đỏ lửa: 'Sự sụt giảm là bình thường'
(DNTO) - Sau thời gian sáu tuần tăng điểm liên tiếp, việc thị trường điều chỉnh giảm được xem là cần thiết và nhà đầu tư có thể tận hưởng thời điểm này để" dưỡng sức" chuẩn bị cho giai đoạn "bứt tốc".
Sự đuối sức lộ rõ
Ngay từ đầu phiên sáng, thị trường đã lao đao trong áp lực điều chỉnh. Các nhóm ngành đồng loạt gặp áp lực bán khi về vùng kháng cự.
Bước sang buổi chiều, tình hình cũng không mấy sáng sủa khi áp lực bán tiếp tục gia tăng trên diện rộng. Thanh khoản thị trường không có gì nổi bật khi chỉ có hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE. Phiên giao dịch chiều cũng chứng kiến sự giằng co mạnh khi VN-Index từng có thời điểm mất gần 11 điểm, tuy nhiên nhờ lực cầu cuối phiên may mắn kéo lại, chỉ số này chốt phiên mất hơn 8 điểm, dừng tại 1.260 điểm.
Áp lực của chỉ số được đến từ các mã họ Vin và cổ phiếu ngân hàng. Mã VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 2,8%, là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất với thị trường trong phiên, tiếp đó phải kể đến như BID (-2,29%), VCB (-1,11%) hay VHM (-1,16%).
Ở chiều ngược lại, điểm sáng nâng đỡ chỉ số, hạn chế đà giảm thị trường, phải kể đến các mã BCM (+7%), MWG (+3,47%) và SSB (+4%), là những cổ phiếu nổi bật có câu chuyện riêng.
Nhóm chứng khoán giảm mạnh nhất với mức giảm trung bình 1,8%, nhóm bất động sản mất 0,9% và nhóm ngân hàng là 0,8%. Sắc đỏ áp đảo thị trường khi sàn HOSE có 326 mã giảm giá, 130 mã tăng giá và 70 mã đứng giá tham chiếu. Trong rổ VN30, 26 mã giảm giá trong khi có 3 mã tăng giá và 1 mã đứng tham chiếu.
Như vậy đây là phiên thứ 3 liên tiếp thị trường điều chỉnh giảm. VN-Index đã lùi về mốc cách đây hơn một tuần. Việc chinh phục ngưỡng cản 1.280 điểm vẫn là điều nan giải.
"Sự sụt giảm là bình thường"
Theo ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Phát triển vốn và đầu tư LCTV, việc thị trường điều chỉnh giảm như hiện nay là cần thiết sau một thời gian dài trong xu hướng tăng.
Hiện thị trường đã xuất hiện áp lực chốt lời bắt đáy, tuy nhiên theo ông, lực chốt lời giai đoạn này mạnh nhưng lại xuất hiện cầu mua vào nên thị trường sẽ có xu hướng đi ngang. Và vì vậy sự sụt giảm như trong phiên giao dịch hôm nay là bình thường, chứng tỏ thị trường đang phân hóa dần giữa các cổ phiếu và nhóm ngành.
Giai đoạn hiện tại không như tháng 5 và tháng 6 vừa qua, thời điểm tương đối căng thẳng khi lực bán và lực giải chấp lớn. "Thị trường loanh quanh từ nay cho đến 2 tuần nữa trong vùng trống thông tin, mùa báo cáo tài chính quý 2 đã qua, thông tin vĩ mô ít biến động, chứng khoán sẽ diễn ra bước đi ngẫu nhiên, không tăng không giảm và có sự phân hóa", ông Đức phân tích trong talkshow về chứng khoán diễn ra ngày 22/8.
Nhà đầu tư lưu ý luôn sử dụng các tín hiệu vĩ mô từ lãi suất và dòng tiền ngân hàng trung ương để làm định hướng cho đầu tư. Trong giai đoạn mà các ngân hàng bơm tiền, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu tăng tốc và lãi suất có xu hướng giảm hoặc duy trì nền giá thấp thì so với các kênh đầu tư khác, chứng khoán sẽ có xu hướng thu lợi nhuận trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, "nếu Fed phát tín hiệu tăng lãi suất hay các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ như thời điểm đầu tháng 1 đến nay thì thị trường nhìn chung sẽ chậm lại", chuyên gia chia sẻ,
Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giai đoạn này. "Thị trường chứng khoán là cuộc chạy dài hạn vì vậy nhà đầu tư phải phân bổ sức lực, có giai đoạn nghỉ ngơi lại sức, nhưng có giai đoạn bung sức về đích. Điểm hay của thị trường chứng khoán là có tăng có giảm", ông Đức cho biết và khuyến nghị: "Nếu ví chứng khoán là cuộc đua Marathon, thì hiện tại là giai đoạn dưỡng sức cho giai đoạn sau bứt tốc. Nhà đầu tư chỉ nên dành 20% nguồn lực hiện có cho chứng khoán".