Nhiều giải pháp phát triển ngành công thương TP.HCM năm 2021
(DNTO) - Sáng nay, ngày 13/1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2020 – Triển khai kế hoạch năm 2021 với nhiều nội dung thiết thực cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tham dự hội nghị có ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương; bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch TP.HCM; ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cùng đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Công thương và đại diện các Hội, Hiệp hội kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Năm 2020 khó khăn nhưng vẫn có điểm sáng
Trong phần báo cáo tổng kết hoạt động của ngành công thương thành phố trong năm qua, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Phương Đông cho biết trong năm 2020, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng ngành công thương cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trong việc hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp TP.HCM đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo tín hiệu thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2020 ước giảm 4% so với năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,58%) nhưng giá trị gia tăng ước đạt 268.896 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 0,47% so với năm 2019.
Trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 6,3%). Cụ thể, ngành sản xuất hàng điện tử ước tăng 18,7%; ngành hóa dược – cao su – nhựa ước tăng 4,7%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước giảm 0,7%; ngành cơ khí ước giảm 12,4%.
Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết tuy còn nhiều khó khăn nhưng sự phục hồi sản xuất kinh doanh thể hiện rõ rệt. Đặc biệt kể từ tháng 9 đến nay, quy mô sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng so với cùng kỳ 2019. Riêng tháng 12 ước tăng 2,6% so với cùng kỳ - cao nhất trong năm 2020.
Về thương mại nội địa, Sở Công thương đã tập trung triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại như trước đây. Tiêu biểu có các chương trình kích cầu tiêu dùng 2020, phát động “60 ngày vàng khuyễn mại trên địa bàn thành phố..
Các chương trình đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến trọng điểm, kịp thời giúp thành phố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước tình hình dịch bệnh cũng như tạo điều kiện để người tiêu dùng được mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý.
Nhiều giải pháp cho năm 2021
Sở Công thương đề ra nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; triển khai các chương trình hỗ trợ hồi phục sản xuất kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường; triển khi thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, tập trung triển khai các chương trình, đề án do Thành phố đề ra.
Sở Công thương cũng đã công bố việc quyết định thành lập Hội Logistics TP.HCM và giới thiệu Ban Vận động thành lập Hội Logistics TP.HCM. Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ bên lề hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, thành viên Ban Vận động cho biết việc thành lập Hội sẽ tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ cho hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. "Chúng tôi đang và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ để Hội Logistics có thể sớm đi vào hoạt động, tạo cầu nối cho các hoạt động công thương trên địa bàn Thành phố".
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết Bộ ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà Sở Công thương đã thực hiện trong năm qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành công thương vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng khích lệ. Ông Hải tán thành những phương hướng phát triển của Sở Công thương, đồng thời, ông cũng bổ sung một số điều cần lưu ý trong năm 2021.
“TP.HCM cần tập trung thúc đẩy công nghiệp theo đúng định hướng ưu tiên đầu tư bốn ngành công nghiệp trọng yếu. Ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do mà vừa qua chúng ta đã ký kết. TP.HCM cần khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ưu tiên công nghệ sạch.
Liên kết tốt hơn nữa giữa các Sở, ngành, thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tiếp tục triển khai kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chỉ đạo.
"Bùng nổ bán hàng trực tuyến đang tạo sân chơi không công bằng"
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2020 – Triển khai kế hoạch năm 2021, các Hội, Hiệp hội và doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị và giải pháp đến Bộ Công thương và Sở Công thương TP.HCM.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM đề xuất Bộ Công thương và Thành phố cần tạp cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm có điều kiện tốt nhất phát triển, bên cạnh đó chú trọng liên kết để phát huy sức mạnh cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy liên kết vùng và đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) kiến nghị ngành bán lẻ cần được hỗ trợ hơn nữa từ Chính phủ.
"Cần phải đưa ngành bán lẻ vào chương trình chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh 8 ngành đang được nhà nước hỗ trợ thúc đẩy. Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ rất nhanh, ngành bán lẻ đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên trong đợt dịch vừa qua, việc bùng nổ bán hàng trực tuyến đã tạo nên sân chơi không công bằng với doanh nghiệp truyền thống. Tôi đề nghị chúng ta cần sớm tăng cường quản lý và đặt ra chế tài cụ thể đối với thương mại điện tử". ông Khoa cho biết.