Giá trị định đoạt của chữ tín trong đời sống và trong kinh doanh
(DNTO) - Chữ tín từ xa xưa đã rất được coi trọng, nó là một trong năm yếu tố dùng để đo nhân cách con người theo quan niệm Ngũ thường của người xưa. Trải qua bao nhiêu vật đổi sao dời, bài học về chữ tín vẫn còn nguyên giá trị của nó.
Trong cuộc sống thường ngày, chữ tín tạo nên sự tin tưởng, uy tín của một cá nhân với mọi người xung quanh. Nó giúp cho lời nói của chúng ta trở nên có trọng lượng, giành được lòng tin từ người khác. Thực hiện chữ tín đơn giản nhất là giữ đúng hẹn, thực hiện đúng lời hứa.
Với con cái, chữ tín đôi khi chỉ là thực hiện đúng lời hứa với con dù là với những việc nhỏ nhất như mua cho con món đồ dùng học tập hay dẫn con đi chơi công viên. Trong quan hệ hôn nhân, ngoài tình yêu thương thì niềm tin là nền tảng xây dựng mối gắn kết vợ chồng hiệu quả nhất.
Với các mối quan hệ người thân, bạn bè, người ta cũng thường dùng uy tín để đánh giá lẫn nhau. Khi cần giúp đỡ một ai đó, người ta sẽ lấy uy tín của đối phương để làm “bảo chứng”. Cho nên có thể nói chuẩn mực để xây dựng các mối quan hệ lâu dài, bền vững chính là chữ tín. Chữ tín hình thành nên sự hòa thuận, thân tình. Nhiều mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội tan vỡ phần lớn có liên quan tới việc thất tín với nhau.
Chữ tín trong cuộc sống quan trọng bao nhiêu thì trong kinh doanh, giá trị định đoạt của nó gấp nhiều lần hơn như thế. Chữ tín trong kinh doanh được đặt ra như một chuẩn mực hình thành và phát triển thương hiệu. Nó thể hiện ở việc tạo lòng tin cho người lao động, khách hàng và đối tác.
Với những nhà tỷ phú hàng đầu, chữ tín được coi trọng như sinh mạng thứ hai của họ, là điều mấu chốt, là kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và thực tế chữ tín đã là bài học đút rút ra của nhiều tên tuổi lớn trên thương trường.
Trong một bài báo đăng trên Bloomberg Businessweek, ông Amancio Ortega là người đang trên đà trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh đã phát biểu: “Là một doanh nhân, tôi quan tâm đến một số các nguyên tắc giá trị trong kinh doanh, trong đó hàng đầu là lòng trung tín”.
Tương tự, người ta biết đến Lý Gia Thành như là người đàn ông quyền lực và giàu có nhất châu Á, một tỷ phú, một nhà đầu tư, nhà tư bản công nghiệp, nhà từ thiện và là người truyền cảm hứng. Ông còn được nhắc đến qua câu nói: "Cả đời tôi làm kinh doanh, cũng chẳng có thành tựu gì lớn lao ngoài việc làm bất cứ việc gì cũng phải giữ chữ tín... khi bạn để mất chữ tín của mình thì cho dù có đánh đổi bao nhiêu công sức, tiền bạc cũng chẳng thể lấy lại được".
Còn ông vua cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ, trong một lần chia sẻ với báo chí cho biết, khi khốn đốn nhất, ông đã đi vay vốn chỉ với bằng tài sản thế chấp là “chữ tín” của mình. Ông Vũ cho rằng: “Chữ tín là cái vốn lớn nhất trong kinh doanh. Thương hiệu Trung Nguyên được xác định trên giá trị cốt lõi là niềm tin”.
Câu chuyện của ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1 cũng là một câu chuyện có liên quan đến chữ tín. Chữ tín là vốn liếng quý giá mà ông Minh mang theo suốt cuộc đời mình. Nhờ chữ tín nên ngay những ngày đầu khởi nghiệp, ông đã được chủ xưởng thạch cao Minh Phát ở Lái Thiêu bán chịu nguyên liệu.
Với ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn: Nếu không giữ gìn uy tín thì chắc chắn IPPG sẽ không thể là đối tác lâu năm với những thương hiệu hàng đầu thế giới, ông khẳng định. Ông thường chia sẻ lại câu chuyện về những ngày đầu kinh doanh hàng hiệu. Trong một diễn biến xảy ra sự cố, tập đoàn IPP của ông đã hạ giá sản phẩm 30% chịu lỗ lên tới 2 triệu USD chỉ vì để giữ chữ tín cam kết trong hợp đồng. Ông Hạnh cho rằng, từ việc giữ chữ tín này, các thương hiệu nước ngoài đã quyết định thương lượng lại hợp đồng. Chẳng những công việc kinh doanh bắt đầu có lãi, ông còn được đối tác giới thiệu cho nhiều công ty, thương hiệu khác.
Qua đó, có thể khẳng định chữ tín là một phần cốt yếu của văn hóa kinh doanh mà các doanh nhân và doanh nghiệp không thể xem nhẹ nếu muốn phát triển bền vững. Riêng trong cuộc sống, chữ tín không chỉ là sự tôn trọng của bạn dành cho người khác mà đó còn là tôn trọng chính mình.