Kẻ thù của giới trẻ đôi khi không phải là thất bại mà chính ở sự thành công
(DNTO) - Không ai trong chúng ta không khao khát thành công. Thành công là một loại động cơ siêu mạnh đẩy chúng ta tiến về phía trước. Nhưng bạn có tin không, thành công đôi khi “nguy hiểm” không thua gì thất bại. Vì sao?
Thành công với mỗi người nằm trong một phạm vi khác biệt tùy theo thời đại, hoàn cảnh, công việc, tuổi tác. Một buổi biễu diễn đỉnh cao được công chúng tán thưởng, được giới chuyên môn công nhận tài năng đã là sự thành công với một nghệ sĩ. Đạt được những kỷ lục cần chinh phục là thành công của một vận động viên. Một ca phẫu thuật giúp bệnh nhân bảo toàn được mạng sống là thành công của một bác sĩ. Một hợp đồng kinh doanh được ký kết là thành công của một doanh nhân… Thành công có thể là những điều lớn lao, nhưng cũng có thể chỉ là một mục tiêu giản dị, nhỏ bé.
Theo quan điểm của thế hệ trước, “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” được công nhận là sự thành công của một người đàn ông. Chân giá trị ấy ngày nay đã được điều chỉnh. Định nghĩa thành công đã mang tính thời đại hơn. Thành công với giới trẻ hiện đại càng đa dạng, thách thức và có ý nghĩa quyết định rất quan trọng. Thành công với doanh nhân càng là một đòi hỏi khốc liệt hơn nhiều.
Một ý nghĩa khá mới mẻ nữa đang ngày càng lan rộng, tác động tích cực đến người trẻ. Đó là sự thành công ngày nay không chỉ là của riêng cá nhân, mà có giá trị cộng đồng, xã hội rất rõ rệt. Sự thành công của doanh nhân là chủ doanh nghiệp sẽ kéo theo sự thịnh vượng cho cả doanh nghiệp đó. Sự thành công của một cầu thủ góp phần vào thắng lợi chung cho cả đội bóng, thậm chí mang vinh quang về cho đất nước. Sự thành công của một nghệ sĩ sẽ làm tỏa sáng một bộ môn nghệ thuật, có khi còn là “bảo chứng” cho phòng vé trong mỗi đêm diễn, góp phần nuôi sống cả một đội ngũ.
Tuy nhiên, thành công là một hành trình không có điểm dừng, khi bạn đặt chân lên nấc thang này, lại thấy xuất hiện những nấc cao hơn. Và bạn sẽ muốn bước tiếp. Nếu không tỉnh táo, không biết hành xử với nó, nó sẽ nguy hiểm ngang bằng với thất bại. Bởi vì thành công - nhất là thành công quá sớm và quá dễ dàng – sẽ dẫn đến tính tự mãn, ngạo mạn.
Sự ngạo mạn, tự mãn đã khiến nhiều bạn trẻ lao đao trong sự nghiệp và tên tuổi sớm lụi tàn. Thực tế có rất nhiều tấm gương như thế. Hào quang của sự nổi tiếng và sự o bế của truyền thông cũng như người hâm mộ đã khiến không ít ngôi sao bóng đá, ca sĩ, diễn viên, những doanh nhân trẻ mới nổi ảo tưởng về bản thân mình, cho mình là nhất, có quyền đứng trên người khác.
Họ chảnh chọe, phát ngôn điên cuồng, thiếu suy nghĩ, lăng mạ, sống vô nguyên tắc. Họ tin rằng mình đang ở một địa vị đáng mơ ước hơn nhiều người, đánh mất sự cầu tiến của bản thân, chủ quan dẫn đến sơ sót, và đó chính là ngọn nguồn của bước sa chân. Người đời gọi chung đó là bệnh ngôi sao.
Có một doanh nhân thành công từ rất sớm, mới 24 tuổi, anh đã là ông chủ của một chuỗi quán cà phê vào loại “sang xịn” của thành phố. Sự thành công quá sớm của anh khiến gia đình, người thân bè bạn nhìn anh như một “siêu nhân”. Thế là thừa thắng xông lên, anh lấn sang lĩnh vực bất động sản, rồi thời trang thể thao.
Tâm lý hiếu thắng khiến anh nghĩ rằng mình hoàn toàn đủ tài năng để dấn sang lĩnh vực mới. Anh không biết rằng, khi gia nhập vào cuộc chơi mới với sự chuẩn bị và đầu tư không kỹ lưỡng, anh chỉ giống như một đứa trẻ mới tập đi nhưng lại bước những bước đi của người lớn. Thế là chiếc chìa khóa mở cửa thành công của anh ở lĩnh vực kinh doanh quán cà phê không mở được những cánh cửa khác. Anh loay hoay không tìm được hướng ra.
Bất kỳ ai trong cuộc đời mình cũng phải nếm trải qua thất bại và tận hưởng sự thành công. Nhất là khi bạn là doanh nhân, bạn thất bại, bạn phải chiến đấu với đối thủ của mình. Nhưng khi bạn thành công, thứ mà bạn chiến đấu chính là bản thân bạn. Cuộc chiến chống lại sự hiếu thắng, ảo tưởng, ngạo mạn, tự mãn, kiêu căng, chủ quan, khinh địch… mới là cuộc chiến khốc liệt nhất mà bạn phải đương đầu.