Nhiều đối tác mới nổi tại Mỹ Latinh muốn đến Việt Nam đặt nhà máy
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp tại các nước Mỹ- Latinh như Venezuela, Panama, Argentina, Chile… đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Có nhóm doanh nghiệp muốn chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.
Việt Nam được xem là cứ địa sản xuất phù hợp
"Trong chuyến công tác vào tháng 10 vừa qua tại Panama, hiệp hội các doanh nghiệp nằm tại khu thương mại tự do Colon có đặt vấn đề với Thương vụ là họ muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam để chuyển đổi các nhà máy mà họ đang đóng tại Trung Quốc, Đài Loan sang Việt Nam", ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Belize, Guatemala, Honduras, El Salvador) chia sẻ như vậy trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh 2022, sáng 25/11.
Cũng theo Tham tán Lưu Vạn Khang, Việt Nam đang ngày càng được nhiều đối tác khu vực Mỹ Latinh quan tâm hơn nhờ những điểm sáng trong phát triển kinh tế, ổn định trong chính trị xã hội.
Ngược lại, thị trường Panama cũng luôn mở cửa chào đón doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và kinh doanh. Ở khu thương mại tự do Colon, chi phí cho một doanh nghiệp hoạt động một năm chỉ mất 5.000 USD cho một giấy phép, không phải đóng bất kì loại thuế nào. Các doanh nghiệp đầu tư tại đây sẽ tối ưu được chi phí cho hoạt động kinh doanh của mình.
Cũng tại Diễn đàn, 20 doanh nghiệp Venezuela đã có mặt với mục đích tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và kết nối với các đối tác Việt.
Ông Oswando Hernandez, Chủ tịch Phòng Thương mại Venezuela - Việt Nam cho biết đây là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác. Bởi con đường đổi mới nền kinh tế Venezuela đang bắt đầu. Dưới cấu trúc hoàn toàn tư hữu, các doanh nhân Venezuela có thể quản lý tiền tệ miễn phí và thực hiện thanh toán tới bất kì địa điểm nào trên thế giới thông qua tài khoản cá nhân của họ mà không có sự can thiệp của Nhà nước cũng như các kiểm soát về trao đổi.
“Hiện nay, ngay trong đoàn chúng tôi, cũng có nhiều doanh nghiệp hợp tác với các đối tác trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Thị trường Venezuela đang có nhu cầu sản phẩm nông sản, dệt may, giày dép, các thiết bị điện thoại di động, các nhà nhập khẩu của chúng tôi đang có động lực từ việc miễn giảm thuế của Chính phủ, cùng với hệ thống pháp luật đầy đủ đảm bảo cho hoạt động đầu tư nước ngoài của các công ty tư nhân”, Oswando Hernandez cho biết.
Thị trường quan trọng của Việt Nam
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh đã tăng gần gấp đôi, từ mức 11,6 tỷ USD của năm 2016 lên mức 21,4 tỷ USD năm 2021. 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, bên cạnh các đối tác lớn như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh.
Việt Nam hiện cũng có một số dự án đầu tư quan trọng tại khu vực này với số vốn hàng trăm triệu USD. Nổi bật là dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án hạ tầng và sản xuất hàng tiêu dùng của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba … Ngược lại, cũng có 21 quốc gia Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 114 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 671 triệu USD.
“Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường đạt tăng trưởng trao đổi thương mại cao nhất của Việt Nam. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, khu vực này còn là thị trường cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…, cho ngành sản xuất Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Argentina Ngô Mạnh Khôi cũng cho biết, mặc dù đối diện với áp lực lạm phát cao nhưng Chính phủ Argentina đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện dòng chảy thương mại với các đối tác, trong đó có Việt Nam.
Cuối tháng 10 vừa qua, Argentina áp dụng chương trình trả góp không lãi suất trong 30 tháng khi mua sản phẩm điện tử (điện thoại di động, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa…). Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm điện tử tại nước này sử dụng nhiều linh kiện nhập khẩu từ Việt Nam như bảng mạch điện tử, chip. Nhờ vậy, trong tháng 10, xuất khẩu từ Việt Nam sang Argentina tăng 45,7%, trong đó nhóm hàng điện tử, linh kiện có giá trị 8,2 triệu USD, tăng 170% so với tháng trước; điện thoại và linh kiện điện thoại đạt giá trị 38,6 triệu USD, tăng 82% so với tháng 9.
Thương vụ nhận định, trong thời gian tới, Chính phủ Argentina cũng sẽ có những chính sách để hạn chế lạm phát, kích cầu chi tiêu trong nước. Đây là cơ hội để sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường Argentina nói riêng và thị trường chung Nam Mỹ nói chung.
“Dù gặp khó khăn trước mắt nhưng thị trường Nam Mỹ với quy mô kinh tế lớn, sức tiêu dùng cao, là điểm đến tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam về lâu dài. Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, mặc dù vị trí địa lý khá xa xôi nhưng thói quen làm việc của các doanh nghiệp tại Argentina là muốn gặp gỡ trực tiếp đối tác, xem trực tiếp sản phẩm rồi mới tiến hành đàm phán”, ông Ngô Mạnh Khôi nhấn mạnh.