Nhiều doanh nghiệp vì áp lực ‘cơm áo, gạo tiền’ mà quên việc đào tạo nhân lực
(DNTO) - Vì phải chạy theo kế hoạch kinh doanh trước mắt, hoặc do việc đầu tư đào tạo tốn nhiều tiền, nhiều doanh nghiệp buộc phải gác lại việc này. Nhưng thực tế chứng minh, doanh nghiệp có văn hóa học tập tốt sẽ tăng doanh thu gấp nhiều lần.
Theo Udemy, các tổ chức có văn hóa học tập doanh thu cao gấp 2,6 lần, hơn 7,2 lần nhân viên cảm thấy gắn bó hơn với tổ chức. Đặc biệt, với doanh nghiệp có tổ chức đào tạo, học tập tốt sẽ tăng lợi nhuận 23% và tăng trưởng 18% so với các doanh nghiệp thông thường.
Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế, việc nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua đào tạo được xem là giải pháp tăng sức đề kháng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đứng vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhưng, một thực tế được ông Nguyễn Hùng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), Chủ tịch HĐQT FSI, chỉ ra là tại nhiều doanh nghiệp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Vinasa, hoạt động đào tạo, học hỏi chưa trở thành hoạt động chính được ưu tiên trong các doanh nghiệp. Hoạt động đào tạo vẫn tự phát, thiếu tổ chức, chưa trở thành một nét văn hóa.
“Hoạt động học tập trong doanh nghiệp vẫn là một thách thức, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mải tập trung kiếm tiền trước, hoặc tiếc tiền bỏ ra đào tạo nhân viên”, ông Sơn nói.
Theo vị này, có 3 yếu tố chính thúc đẩy đào tạo trong tổ chức: con người, chính sách và giải pháp. Nhưng việc triển khai và đưa một chương trình đào tạo vào trong tổ chức không khó, cái khó là làm sao xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp, điều này liên quan đến yếu tố con người và chính sách.
Trước hết, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp phải là tấm gương trong học tập. Lấy ví dụ tại doanh nghiệp của mình, ông Sơn cho biết, dù thuê chuyên gia đào tạo nhưng bản thân CEO cũng phải học cùng mọi người, như vậy mới có thể truyền thông để các nhân sự hiểu và tham gia. Yếu tố thứ hai là chính sách. Nhiều công ty hô hào học tập, nhưng lại không có chính sách tăng lương hay hỗ trợ cho những người học tập.
“Bạn tôi làm ở McKinsey, họ có chính sách miễn phí bữa ăn trưa cho người hoàn thành khóa học trên Udemy. 5 năm ở đó, anh bạn tôi chưa bao giờ phải mất tiền ăn trưa. Hiện anh ấy là luật sư trong lĩnh vực tranh tụng công nghệ thông tin rất giỏi, từng cố vấn cho Google, Facebook, Alibaba…”, ông Sơn nêu ví dụ.
Đại diện Vinasa cho biết, các CEO luôn bận rộn với bài toán tài chính, mở rộng thị trường hay tìm kiếm lĩnh vực kinh doanh mới, vì vậy, họ sẽ ít quan tâm đến công tác đào tạo. Đội ngũ làm đào tạo nhân sự trong công ty hay chính nhân sự hãy mạnh dạn đề xuất ý kiến, nguyện vọng với lên lãnh đạo.
“Bản thân tôi trước đây nghĩ rằng cái gì cũng biết nên có thể tự xây dựng chương trình đào tạo trong công ty. Nhưng vài năm thấy nó không hiệu quả, mình bắt đầu tư duy lại, phải thuê tư vấn, thậm chí học lại về khoa học quản trị, đào tạo phát triển. Vì vậy hãy coi việc đầu tư tiền, đầu tư con người để xây dựng văn hóa học tập là đầu tư cho chính công ty”, ông Sơn nói.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng tìm đến các nhà huấn luyện (coach) để đào tạo, nâng cao năng lực. Theo bà Bùi Nguyệt Anh, Giám đốc Cấp cao BNI Việt Nam, thực tế, các nhà huấn luyện cũng chỉ là người hỗ trợ khai phá tiềm năng của bạn và định hướng cho bạn. Còn thực tế, năng lực của mỗi người đến từ kiến thức cộng với thời gian trải nghiệm thực tế.
“Ngay cả chơi thể thao, các huấn luyện viên cũng sẽ quan sát bạn làm và sau đó truyền cảm hứng, chỉ ra lỗi sai hoặc phương pháp giúp tập luyện tốt hơn. Còn không thể hi vọng coach (huấn luyện) sẽ cho ra kết quả nhanh. Tất cả phải có trải nghiệm, càng làm thì bạn sẽ thành thục hơn”, bà Nguyệt Anh cho hay.
Ông Lê Đình Thịnh, Trưởng nhóm Đào tạo & Phát triển Tài năng tại One Mount (hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp, nhân tài trong và ngoài nước), cho biết rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lạ lẫm khi xây dựng khung năng lực cho từng vị trí nhân sự. Khi nhìn vào khung năng lực, các nhân viên sẽ biết họ cần gì và thiếu gì.
Các chương trình đào tạo xây dựng cần xây dựng dựa trên khung này sẽ thuyết phục các nhân sự rất nhanh. Để tăng tốc độ đào tạo, ông Thịnh cũng đồng tình với quan điểm cần có những chính sách đặc biệt để khích lệ việc học tập của nhân sự. Ở One Mount, các nhân sự hoàn thành các bài đào tạo cũng sẽ được tặng phiếu mua hàng tại siêu thị… “Khi làm các chương trình đào tạo phải truyền thông cho nó nóng lên”, ông Thịnh nói.
Đại diện One Mount khuyến nghị doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ đo lường để hiểu được các cán bộ nhân viên ở vị trí này họ thiếu kĩ năng gì, xu hướng học tập của họ ra sao, khi đọc sách họ đọc hết cả cuốn hay chỉ đọc những phần mang lại giá trị cho họ… Tất cả những điều đó cho thấy nhu cầu về điều kiện học tập lý tưởng của nhân viên, giúp người quản lý thiết lập chương trình đào tạo tốt hơn.
“Mọi người thường hay nói có người thích học qua hình ảnh hoặc âm thanh, thậm chí trải nghiệm thực hành. Nhưng thực tế, lý thuyết đó trong bối cảnh hiện nay không còn đúng. Để quá trình học tập hiệu quả, môi trường, đồng nghiệp… rất nhiều yếu tố sẽ tác động lên tâm lý người học. Trải nghiệm học tập vì thế phải rất ‘may đo’ cho từng cá nhân”, ông Thịnh nêu quan điểm.