Nhiều doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho Samsung, Toyota
(DNTO) - Không chỉ là nhà cung ứng trong nước, hiện số lượng doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn FDI lớn như Samsung, Toyota đang gia tăng.
Cụ thể, theo Báo cáo Tổng kết Công tác năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 của Bộ Công thương công bố sáng 7/1 cho thấy, năm 2020, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế..
Tính chung 5 năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,16%.
Đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Việt Nam đang đi đúng hướng và hiệu quả, đặc biệt là ngành công nghiệp chế tạo.
“Trước đây, các trang thiết bị phục vụ cho ngành nông nghiệp hầu hết phải nhập khẩu nhưng giờ đây, các doanh nghiệp trong nước đã có thể tự sản xuất và cung ứng trong nước”, ông Cường nhấn mạnh.
Không chỉ trở thành nhà cung ứng trong nước, Bộ Công thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp; Đến nay cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.
"Điều này minh chứng cho quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp", Bộ Công thương cho biết.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Công thương, năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82% . Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm ( từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước đạt 16,7% vào năm 2020).
Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, IIP cả năm 2020 tăng 3,4% so với năm trước.