Nhật Bản ‘chen chân’ vào thị trường xe điện nóng bỏng của Đông Nam Á
(DNTO) - Nhật Bản đang tìm cách bảo vệ "ngôi vị" của họ trong thị trường ô tô của Đông Nam Á, bằng cách chen chân vào thị trường xe điện vốn đang đầy rẫy cạnh tranh.
Tại triển lãm Indonesia International Motor Show vào hồi tháng 8 vừa qua, các quan chức cấp cao bước ngang qua mẫu xe Xforce, một sản phẩm chiến lược của Indonesia, họ đã dừng lại và chụp hình cùng giới báo chí.
Takao Kato, Giám đốc của Mitsubishi Motors, cho rằng: “Họ chỉ quan tâm đến xe điện (Electric Vehicle - EV) thôi”.
Các hãng xe ô tô chiếm đến 80% doanh số tại Đông Nam Á, vốn có dân số hơn 670 triệu người. Không thị trường nào trên thế giới có sự thống trị của Nhật Bản như vậy. Các nhà sản xuất xe ô tô xứ Phù Tang đã bám rễ tại Đông Nam Á từ những năm 1950.
Thế nhưng ngày nay, các tên tuổi Trung Quốc và Hàn Quốc đã đặt dấu ấn của họ tại Đông Nam Á thông qua thị trường xe điện EV. Họ lần lượt thay nhau nhập khẩu các mẫu mã mới vào trong vùng, cùng lúc hối hả lập kế hoạch cho dây chuyền sản xuất tại địa phương.
Riêng ở Indonesia, Wuling Motors, vốn có nhà máy sản xuất tại đây, chiếm đến 78% thị phần EV, trong khi hãng Hàn Quốc Hyundai Motor chiếm 20%. Bên cạnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á có thương hiệu EV của riêng họ, chẳng hạn như Vinfast của Việt Nam với 50% thị phần trong nước.
Tại Thái Lan, doanh số EV tăng gấp ba lần trong năm ngoái, đạt 33.000 xe bán ra giữa tháng 1 và tháng 6, chiếm 6% tổng doanh số của tất cả loại xe. Hầu hết trong số xe điện đó là từ các hãng Trung Quốc. Hiện tượng này đã ăn vào “miếng bánh” thị phần của các hãng Nhật Bản, vốn trước đó giữ 90%, nhưng nay chỉ còn thấp hơn 80%.
Nhưng có nhiều lý do khiến các hãng sản xuất xe Nhật Bản e ngại trong thị trường Đông Nam Á. Trong vùng, nhiên liệu hóa thạch vẫn giữ vai trò là nguồn năng lượng chủ đạo, vì thế dù có tăng lượng xe EV thì vấn đề về ô nhiễm và khí nhà kính vẫn sẽ không đi xuống.
Hơn thế nữa, phát triển hệ thống trạm sạc trên diện rộng vẫn chưa diễn ra. Và điều kiện khí hậu nóng ẩm tại Đông Nam Á dễ làm pin sạc xuống cấp.
Tuy vậy, chính phủ các nước đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện. Jakarta và Bangkok ngập ngụa trong khói thải ô nhiễm, khiến giải pháp xe điện EV rất bức thiết.
Ngoài ra vẫn có mong muốn mạnh mẽ để khai thác những ngành sản xuất mới. Các hãng Trung Quốc và Hàn Quốc xem ngành EV là một cơ hội để “phế truất ngôi vị” của Nhật Bản trong thị trường Đông Nam Á.
Giám đốc Mitsubishi Motors, Takao Kato nói: “Về lý thuyết, thời điểm vẫn còn quá sớm. Nhưng chúng tôi lo rằng xem nhẹ xu hướng này sẽ dẫn tới bỏ lỡ cơ hội lớn”. Trong tổng doanh số toàn cầu của Mitsubishi, 30% nằm tại Đông Nam Á.
Mitsubishi đang khẩn trương chuẩn bị cho dây chuyền sản xuất tại Indonesia, trong khi Toyota Motors và Honda đang chuẩn bị sản xuất tại Thái Lan. Nhưng sản lượng dự đoán sẽ thấp, trong khi sự cách biệt với các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc đã rõ rệt.
Nhưng vẫn còn quá sớm để liệt kê Nhật Bản vào hiện tượng “thế lưỡng nan của nhà sáng tạo”, khi doanh nghiệp đi đầu dần thua thiệt so với các đối thủ mới. Vẫn còn nhiều điều kiện để cho các hãng xe Nhật Bản, cũng như các hãng xe điện non trẻ, đạt thành công trong thị trường Đông Nam Á.
Đầu tiên phải kể đến làn sóng bùng nổ EV trong vùng đang được hỗ trợ “nhân tạo” bởi chính quyền các nước. Chẳng hạn như chương trình trợ giá mua xe điện của chính phủ Thái Lan, trị giá 150.000 baht (tương đương 4.137 đô la). Nhưng không sớm thì muộn các chính sách này cũng sẽ kết thúc.
Các loại xe sử dụng động cơ đốt trong hưởng lợi nhờ dây chuyền sản xuất đại trà, nhưng pin năng lượng, vốn chiếm 30-40% giá thành xe điện, không có lợi thế này.
Khi những yếu tố bên ngoài được gỡ bỏ, thị trường EV sẽ buộc phải phát triển một cách tự nhiên, doanh số tăng cao như hiện nay sẽ không tiếp tục xảy ra nữa.
Điểm thứ hai là châu Âu, vốn đóng vai trò là vùng đi đầu trong xu hướng xe điện, đã bãi bỏ lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong sau 2035, miễn sao các loại xe này có thể sử dụng nhiên liệu trung tính carbon. Đông Nam Á rất có thể tiếp tục theo chân EU trong các chính sách bảo vệ môi trường như đã từng làm trong các thời gian trước.
Noriyuki Matsushima, cố vấn tại hãng Mitsubishi UFJ Research and Consulting, nhận xét: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mà sự phát triển của công nghệ xe điện bị chững lại, trong khi công nghệ động cơ đốt trong và nhiên liệu vẫn tiếp tục đi lên”.
Tại vùng Đông Nam Á, chỉ có các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản là có thể cạnh tranh trên cả hai “mặt trận” xe chạy nhiên liệu xăng dầu và xe điện EV. Họ sẽ phải giữ thế cân bằng, không quá tụt hậu trong công nghệ EV và phải luôn dẫn trước trong công nghệ phối hợp động cơ đốt trong cùng năng lượng sạch.
Cuối cùng thì dù cho thị trường xe điện ở Đông Nam Á phát triển như thế nào, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vẫn sở hữu một “vũ khí” vô cùng lợi hại: Tên tuổi thương hiệu mà họ gầy dựng bấy lâu nay.