Nhà thầu xây dựng khó khăn, có doanh nghiệp nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng không thu được
(DNTO) - Nợ đọng cao lên tới 80% chi phí mỗi công trình đã ăn mòn sức khỏe các doanh nghiệp xây dựng.
Doanh nghiệp xây dựng khóc ròng
Chia sẻ trong Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới, chiều 12/4, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết trong quý đầu năm nay, ngành xây dựng ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của cùng kì năm trước và cũng cao hơn các ngành khác. Nhưng thực tế các doanh nghiệp xây dựng đang hết sức khó khăn.
Có nghịch lý này vì trong năm 2024, đầu tư công tăng lên rất cao, hơn 640 nghìn tỷ đầu tư công, vì vậy, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành xây dựng tăng. Nhưng các doanh nghiệp xây dựng có nhiều loại hình, trong đó có một số doanh nghiệp xây dựng làm công trình hạ tầng kỹ thuật, một số doanh nghiệp làm công trình xây dựng dân dụng. Đầu tư tư nhân đang giảm sút nên nguồn cung bất động sản không có nhiều, do cả hành lang pháp lý và vốn đầu tư hạn chế.
“Doanh nghiệp xây dựng của chúng tôi tạm tính đến thời điểm này là trên 3.000 doanh nghiệp, khoảng 93-94% là doanh nghiệp nhỏ, có vốn đăng kí dưới 100 tỷ đồng. Vì vậy, quy định chỉ định của Thủ tướng Chính phủ được làm công trình cao tốc đều là các gói thầu rất lớn. Cho nên chỉ có một số các tổng công ty được chỉ định vào các gói thầu hạ tầng kỹ thuật đường cao tốc còn có công ăn việc làm. Còn đa số các công ty xây dựng dân dụng là các công ty vừa và nhỏ rất khó khăn”, ông Hiệp nói.
Không chỉ khó khăn về công ăn việc làm, doanh nghiệp xây dựng còn khó khăn vì tình trạng nợ đọng vốn. Lấy ví dụ trường hợp Công ty xây dựng Hòa Bình, vị này cho biết, năm 2018, công ty đạt doanh số 21.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong ngành xây dựng, sau Coteccons.
Nhưng 31/12/2023, báo cáo tài chính công khai của công ty Hòa Bình cho thấy số nợ phải thu là 10.669 tỷ; trong đó nợ xấu là 2.476 tỷ, tức chiếm 24% là số nợ không thể thu được. Trong khi đó, nợ phải trả ngân hàng của công ty này là 15.156 tỷ. Như vậy, kể cả thu được hết nợ cũng không đủ trả được ngân hàng, trong khi lại có nợ xấu lớn.
Hay trường hợp Công ty Delta làm công trình The Artemis của chủ đầu tư MHL ở đường Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. Cả hợp đồng xây dựng là 403 tỷ đồng, hoàn thành năm 2017 nhưng đến nay 2024 vẫn nợ 63 tỷ đồng. Vụ việc này đưa ra tòa dân sự Thanh Xuân từ 2021 nhưng đến nay vẫn chưa trả được.
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp xây dựng bỏ tiền ra mua vật tư làm trước nhưng không đòi được vì cơ chế còn vướng mắc. Ông Hiệp ví đó là bức tranh u ám của ngành xây dựng và ngành vô cùng khó khăn vì toàn bộ đều là nợ đọng. Nếu công ty trong ngành xây dựng không có nợ đọng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cần cơ chế đột phá
Lãnh đạo của VACC cho biết đang dự định kiến nghị với Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng. Bởi muốn phát triển bộ mặt đô thị thì phải có cơ chế bảo vệ cho nhà thầu. Nhưng trong xây dựng vẫn tồn tại cơ chế 2 chế độ. Một chế độ là vốn nhà nước, một chế độ là vốn đầu tư tư nhân ngoài xã hội. Cơ chế vốn đầu tư nhà nước, vì nhà nước là chủ đầu tư nên không cần cơ chế bảo lãnh vì nhà nước sẽ trả, chỉ có điều sẽ trả chậm. Còn với vốn đầu tư tư nhân, họ cũng vận dụng tất cả các chính sách của đầu tư nhà nước. Do đó nên tất cả các công trình có tới 70-80% các phần là không đòi được.
“Cần có cơ chế thực sự cách mạng trong quản lý ngành xây dựng, đặc biệt trong vấn đề hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Chưa kể, hiện nay cơ chế đơn giá định mức rất lạc hậu. Trong đó công trình Nhà nước áp dụng chặt chẽ đơn giá định mức, nhưng công trình ngoài vốn ngân sách cũng đang vận dụng cơ chế này. Vô hình chung tạo ra cơ chế thị trường 2 giá trong ngành xây dựng. Đây là điều bất cập và nên thay đổi. Chúng tôi kiến nghị nên bỏ cơ chế này, thay vào đó là suất đầu tư và đơn giá tổng hợp. Như vậy, chúng ta sẽ ra chi phí tổng thể cho ngành xây dựng giống như các nước tiên tiến đang làm”, ông Hiệp kiến nghị.
Vị này cho biết, trong tổng vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư tư nhân chiếm 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giải quyết 80% công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi vốn đầu tư tư nhân vào một số lĩnh vực như gạo, thủy sản, dệt may có chuyển biến tích cực, thì vốn vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm. Một phần do chúng ta đang trong quá trình biên soạn lại luật. Hiện giới đầu tư đang quan sát rất kĩ và chờ đón nghị định hướng dẫn Luật Đất đai để xem họ có thể làm được hay không.
“Ví dụ định giá đất, chúng ta quan điểm định giá thị trường, cái sau cứ cao hơn cái trước và giá đất cứ tăng lên mãi. Như vậy vai trò chúng ta sẽ quản lý như thế nào. Nhà đầu tư phân vân mãi rằng không biết lúc này tiếp cận vào có kịp không và có giải quyết được bất cập không. Vì làm phải có hiệu quả, nếu bỏ vốn ra mà không an tâm thì khó. Cần tranh thủ tiếp nhận ý kiến của những người chịu tác động của luật pháp đó là doanh nghiệp. Vì vậy trong hành lang pháp lý, làm thế nào để tháo gỡ cho đầu tư tư nhân phát triển, giữ được cán cân 50% trong tổng mức đầu tư xã hội sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa”, đại diện VACC nêu quan điểm.