Nhà đầu tư F0 ồ ạt lập tài khoản: Mừng hay lo?
(DNTO) - Sau cú sốc lao dốc vào tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh 70% trong 9 tháng cuối năm 2020 với mức tăng gần 70% giúp nhiều nhà đầu tư F0 thắng lớn. Nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư F0 không nên tham gia ngay vào các đầu tư sinh lời cao, vì lợi nhuận thường kèm với rủi ro.
Nhà đầu tư F0 ồ ạt lập tài khoản
Năm 2020 đã khép lại, nhưng gặt hái thành công trên thị trường chứng khoán không phải là nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm mà là nhà đầu tư F0 (F0 là những cá nhân/tổ chức không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó và đang tham gia vào lĩnh vực đó lần đầu).
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD, tháng 11/2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản. Số tài khoản mở mới trong tháng 11 đã phá kỷ lục mới khi chính thức vượt qua số tài khoản mở mới của tháng 3/2018 là 40.651 tài khoản. Đây là số tài khoản mở mới tăng cao nhất trong 1 tháng kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được vận hành.
Chiếm phần lớn số tài khoản mở mới là nhà đầu tư cá nhân với 41.080 tài khoản. Chỉ có 123 tài khoản mở mới từ các tổ chức. Nhà đầu tư nước ngoài mở mới 294 tài khoản.
Năm 2020, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến một dấu ấn đặc biệt, đó là sự tham gia của những nhà đầu tư F0 ở độ tuổi 20-30. Đây là những nhà đầu tư có cái nhìn rất khác so với những thế hệ nhà đầu tư Fn (nhà đầu tư có kinh nghiệm). Các nhà đầu tư F0 mới này chính là thế hệ thừa hưởng sự phát triển kinh tế và các giá trị tích luỹ tài sản trước đó nên họ rất có tiềm lực.
Sự tham gia của các nhà đầu tư F0 khiến VN-Index vô cùng sôi động, giá trị giao dịch bình quân của thị trường trong tháng 11 đạt trên 8.000 tỷ đồng/phiên. Có thể nói, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua không chỉ giúp các nhà đầu tư Fn, mà ngay những nhà đầu tư F0 cũng kiếm được những khoản lợi nhuận rủng rỉnh.
Chỉ mới chính thức đầu tư chứng khoán từ tháng 7/2020, với số vốn ban đầu 10 triệu đồng sau nâng lên 30 triệu đồng, chị Phan Thanh Hương, một nhà đầu tư tại Hà Nội (bán hàng online) cho biết, có thời điểm chỉ trong 2 tuần đã kiếm được khoản lợi nhuận 4 triệu đồng.
Anh Lê Anh Tuấn, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh cao điểm, giãn cách xã hội, do chưa đi làm nên anh đã nghiên cứu về thị trường chứng khoán. Và anh đã quyết định dành toàn bộ số tiền tiết kiệm nhiều năm từ việc đi làm thêm là 50 triệu đồng để đầu tư chứng khoán. Sau đợt giãn cách xã hội, anh thu về khoản lợi nhuận khoảng 10%.
Từ đó đến nay tỷ suất lợi nhuận trung bình mỗi tháng của anh Tuấn là 10-15%, số tiền lợi nhuận đó anh lại tiếp tục tái đầu tư.
Nhà đầu tư F0 làm gì để bám trụ dài hơi với chứng khoán?
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, sự tham gia sôi nổi của của nhà đầu tư F0 đã góp phần tạo ra những "bữa tiệc xanh" trên thị trường chứng khoán, mặc cho đại dịch Covid-19 phủ bóng lên toàn nền kinh tế. Đây cũng là nhân tố thúc đẩy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp đà bán ròng gần 11.000 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm 2020.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhà đầu tư F0 chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức thì không nên vội vàng tham gia ngay vào các hoạt động đầu tư sinh lời cao, bởi lợi nhuận đi thường đi kèm với rủi ro.
Theo mô hình tháp tài sản mà VNDIRECT khuyến nghị, thứ tự ưu tiên trong việc phân bổ tài sản lần lượt là Tài sản phòng vệ - Tài sản tích sản – Tài sản đầu tư. Tài sản phòng vệ bao gồm Quỹ dự phòng khẩn cấp, Bảo hiểm, Tích sản hưu trí...
Tài sản tích sản nghĩa là đều đặn tích lũy vào một danh mục đầu tư chất lượng, bao gồm cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ. Khi đã có kế hoạch và thói quen thực hiện tích lũy tài sản phòng vệ và tài sản tích sản, nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục phân bổ tiết kiệm vào nhóm sản phẩm đầu tư gồm chứng khoán cơ sở, chứng khoán phái sinh hay chứng quyền.Việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm đầu tư là điều vô cùng quan trọng với nhà đầu tư mới.
Đây không phải là chuyện “môt sớm một chiều” mà cần thời gian đủ để “ngấm”. Nhà đầu tư nên dành thời gian tham gia các chương trình chia sẻ kiến thức về quản lý tài chính và đầu tư từ các đơn vị uy tín.
Cũng theo VNDIRECT, trong bối cảnh thực tế có đến trên 90% số nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán gặp thua lỗ và thời gian trung bình để một nhà đầu tư trụ lại ở thị trường chỉ là 2 năm, hy vọng rằng những lời khuyên trên sẽ giúp nhà đầu tư có thể ở lại bền lâu cùng thị trường, từng bước tích lũy tài sản và gặt hái “quả ngọt” theo thời gian.