Nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn đi trước một bước
(DNTO) - Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM) cho rằng các nhà đầu tư ngoại vẫn luôn quan sát và đi trước một bước trước các cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn chống chọi với dịch bệnh Covid–19. Trong khi đó, tại Việt Nam tình hình đã bớt căng thẳng hơn do có sự kiểm soát tốt từ Chính phủ. Vậy theo ông, yếu tố này đã đủ để thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài?
Thực tế, thời gian dịch bệnh diễn ra vừa qua, không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều bị ảnh hưởng. Thông thường, trong bối cảnh khó khăn, nhà đầu tư sẽ “rút” lại nguồn vốn ở bên ngoài, chứ không phát triển, mở rộng, để tập trung nguồn lực vào thị trường bản địa. Không ít tập đoàn, DN tại các thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản... trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, cũng không tránh khỏi tình trạng khó khăn, trì trệ, thậm chí phá sản, nên kế hoạch đầu tư cũng bị gián đoạn, tạm dừng theo. Trước mắt, những nhà đầu tư nước ngoài cần giải quyết xong vấn đề nội tại của bản thân, sau đó mới tiếp tục tái khởi động lại cho chiến lược đầu tư lâu dài.
Hiện nay, một số nhà đầu tư ngoại, dù có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam thông qua M&A, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, những dự án bất động sản... nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn chưa thể vào thực địa để tìm hiểu, quan sát, nắm bắt thông tin, nên chưa thể đưa ra quyết định đầu tư sớm. Chính vì vậy, trước mắt, đối với một số dự án trong nước, chắc chắn sẽ phải cần có thêm thời gian chờ đợi.
Phải chăng chứng khoán và bất động sản vẫn là hai lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm dù cho thị trường có nhiều biến động, thưa ông?
Quan sát diễn biến thị trường chứng khoán tại Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có những mối quan tâm nhất định. Tuy nhiên, họ luôn cẩn trọng so sánh mối tương quan đối với một số nước xung quanh trong khu vực như Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Philippines...
Ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở quanh mốc 900 điểm và giá cổ phiếu bắt đầu đắt hơn, vì vậy trở nên bớt hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, đối với những cổ phiếu trong một số lĩnh vực như ngân hàng, tiêu dùng, năng lượng... và nhất là những DN nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa thì nhà đầu tư vẫn có sự quan tâm lớn, theo đuổi cho chiến lược lâu dài.
Còn đối với mảng bất động sản, mặc dù thị trường đang có dấu hiệu chững lại, nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn “săn lùng” những dự án có vị trí đắc địa, cơ sở pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín, có cơ hội sinh lời trong tương lai. Họ sẽ thông qua các quỹ đầu tư và những công ty chứng khoán, giúp DN bất động sản huy động vốn, phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược từ bên ngoài cùng hợp tác phát triển.
Một số ý kiến cho rằng, năm sau sẽ là “điểm rơi” của sự khó khăn. Vậy nhà đầu tư đến từ các nước sẽ vẫn tìm kiếm cơ hội trong khó khăn hay chờ thời cơ khi thị trường tươi sáng hơn, thưa ông?
Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp và giữ tinh thần lạc quan, họ sẽ luôn đi trước một bước chứ không bao giờ chờ đợi đến lúc thị trường rõ ràng, thăng hoa, mới đổ vốn vào vì khi đó giá cổ phiếu đã tăng cao, cơ hội sinh lời ít đi.
Ngược lại, khi thị trường xuống thấp, nhà đầu tư mới tìm kiếm cơ hội, mua được cổ phiếu, dự án bất động sản, cơ hội M&A với giá hấp dẫn. Hơn nữa, với những điều kiện hiện có tại Việt Nam như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, là một trong số ít những quốc gia tăng trưởng kinh tế dương tại khu vực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dân số trẻ, năng động, tình hình chính trị ổn định... sẽ tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi thiết thực về thuế và thủ tục để thu hút đầu tư nước ngoài quan tâm hơn nữa, tạo ra động lực phát triển và nhất là tạo ra môi trường công khai, minh bạch để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm “rót” vốn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo Ngân hàng