Nghịch lý: Thanh toán số tăng nhưng thương mại điện tử còn chậm
(DNTO) - Trong buổi tọa đàm "Giải mã điều kỳ lạ của kinh tế số năm 2020 và dự báo xu hướng 2021" tổ chức chiều nay (22/12), các diễn giả đã cùng thảo luận về các vấn đề được quan tâm về kinh tế một năm vừa qua.
Chuyển đổi số là yếu tố sống còn
Trong buổi tọa đàm, trước ý kiến cho rằng quy trình chuyển đổi số của Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, TS Trần Đình Thiên cho rằng nên nhìn nhận ở một góc độ tích cực hơn. "Xuất phát điểm về công nghệ của nước ta tương đối thấp nên quá trình chuyển đổi số có thể còn chậm, nhưng điều này vẫn rất đáng ghi nhận cho sự nỗ lực của tất cả các ban ngành và doanh nghiệp. Khi dịch Covid-19 tràn vào, đây là 1 cú sốc cho thế giới. Nhưng Covid-19 cũng đóng vai trò như một cú huých để tạo đà cho các doanh nghiệp nhảy từ kinh tế thực lên kinh tế số.
Có rất nhiều minh chứng cho yếu tố tích cực này. Trong khi thế giới đang đối mặt với sự tăng trưởng âm của nền kinh tế, vẫn có những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ sự tác động này. Các đại gia tăng tốc lên nhờ công nghệ cao và kinh tế số, những người này có những bước nhảy vọt ghê gớm, doanh thu tăng gấp đôi, gấp ba thậm chí còn hơn thế nữa". Ông Thiên dẫn lời của một chuyên gia kinh tế "Không nên lãng phí cuộc khủng hoảng này".
Về phía các ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết thời gian qua các ngân hàng cũng đã thực hiện rất nhiều biện pháp thiết thực để cùng đồng hành, chia sẻ với khách hàng như gia hạn nợ, giảm lãi suất,... "Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đầu tư nhiều vào công cuộc chuyển đổi số để đáp ứng cho các hành vi ngày càng thay đổi của khách hàng. Thay vì đến trực tiếp ngân hàng giao dịch, thì giờ đây, họ có thể ngồi nhà và thực hiện mọi thứ chỉ với ứng dụng mobile banking trên di động". Ông Lân cho biết, tại Vietinbank, dịch vụ ngân hàng số tại Vietinbank đã tăng thêm 1 triệu khách hàng.
Là một đơn vị chuyên tư vấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đại diện VCCorp, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Trước đây mọi người thường hỏi nhau rằng: Ai sẽ là người quyết định chuyện chuyển đối số? CEO (Giám đốc điều hành) hay CTO (Giám đốc Công nghệ thông tin)? Và bây giờ chúng ta đã có câu trả lời, đó là Covid-19. Dịch bệnh như một đòn giáng mạnh mẽ vào sự sống còn của các doanh nghiệp, và việc chuyển đổi số doanh nghiệp là tất yếu không thể bàn cãi." Ông Tuấn nói thêm, trước đây mọi người hay nghĩ chuyển đổi số là cái gì đó to lớn và vĩ mô, nhưng nhờ tác động của dịch bệnh, chúng ta đã có thể nhìn nó nhẹ nhàng hơn khi bắt tay vào triển khai.
Thanh toán số tăng vọt nhưng thương mại điện tử (TMĐT) ì ạch
Đây là quan điểm của TS. Trần Đình Thiên, ông cho biết rất ngạc nhiên khi trong 6 tháng cao điểm của dịch bệnh tại Việt Nam, Covid-19 không tạo được cú hích để đẩy TMĐT tăng vọt như kỳ vọng.
"Tôi có làm việc với các ví điện tử, chỉ trong một năm vừa qua, số khách hàng của họ tăng đột biến, có công ty tăng gấp đôi, từ 10 triệu lên 20 triệu khách hàng. Trong con số này chắc chắn có yếu tố thương mại điện tử.
Tuy nhiên, tôi tìm hiểu trong các tháng vừa rồi, doanh thu TMĐT tăng 14%, ở Việt Nam có con số nói rằng trong 6 tháng tăng 6%. Các dự báo cho thấy trong 12 tháng sẽ còn tích cực hơn, có thể tăng đến 16% lợi nhuận trong TMĐT. Công tâm mà nói so với thanh toán số thì mức tăng trưởng TMĐT vẫn chưa đạt được như kỳ vọng".
Về vấn đề này, ông Quỳnh Lân cho biết một trong các lý do khiến TMĐT tăng trưởng chậm đến từ thói quen mua sắm của người dân. "Người dùng vẫn còn nhiều lo ngại khi giao dịch trên các trang TMĐT, qua nhiều vụ việc, sự cố nên họ chưa hoàn toàn tin tưởng khi giao dịch hay mua hàng qua mạng, các vấn đề về quản lý chất lượng hay logistics vẫn chưa củng cố được niềm tin nơi người dùng. Thói quen mua hàng truyền thống ảnh hưởng mạnh đến hành vi người dùng. Một người cẩn thận sẽ dùng cả 5 giác quan để nhận hàng và TMĐT chưa đáp ứng được điều đó." Ông Lân cho rằng các sàn TMĐT và các ngân hàng nên ngồi lại để cùng giải quyết rốt ráo các vấn đề này.
Đồng quan điểm trên, đại diện VCCorp ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm một góc nhìn chi tiết hơn. Ông cho rằng sự ì ạch của TMĐT chỉ biểu thị qua những con số mà các sàn này công bố. Tâm lý người dùng khi dịch là hạn chế chi tiêu và ngưng mua các thứ đắt tiền, chỉ mua nhu yếu phẩm. Các nhu yếu phẩm này thì các sàn TMĐT không đầy đủ và đa dạng bằng các siêu thị hay chợ truyền thống.
Yếu tố tiếp theo là các chuyến bay vận chuyển hàng hóa về Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều người bán hàng cho biết không có hàng để bán thì lấy đâu ra giao dịch.
Nhìn chung có rất nhiều lý do để giải thích cho việc TMĐT tăng trưởng chậm dù sở hữu nhiều lợi thế. Nhưng vấn đề lúc này là tìm ra hướng giải quyết. Về lâu về dài, phương thức thanh toán phi tiền mặt sẽ dần thay thế cho giao dịch tiền mặt thông thường.