Ngành xuất khẩu TP.HCM: Cá chép nhất định sẽ hóa rồng
(DNTO) - Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến 2025, định hướng đến 2030 được Sở Công thương TP.HCM vạch ra những lộ trình cùng những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn tới.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc báo chí định kỳ quý 1/2021, đại diện Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương TP.HCM), ông Nguyễn Khắc Hiếu cho biết, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,73 tỷ USD (tăng 2,2% so với cùng kỳ), trong đó kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) ước đạt 10,58 tỷ USD (tăng 5,8%).
Kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố (không tính dầu thô) đạt 8,69 tỷ USD (giảm 4,5% so với cùng kỳ).
Lý giải về việc ngành xuất khẩu có chiều hướng giảm, ông Hiếu thông tin: "Do đại dịch Covid-19 vẫn tác động lớn đến các nước đối tác xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố; trong đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ (thị trường lớn thứ 2, chiếm tỷ trọng 14,9% kim ngạch xuất khẩu) ước giảm 17,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu vào EU (thị trường lớn thứ tư, chiếm tỷ trọng 13,2% tỷ trọng xuất khẩu) ước giảm 0,1% so với cùng kỳ”.
Tại buổi họp, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu cũng đại diện Sở Công thương công bố đề án Phát triển Xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến 2025, định hướng đến 2030. Đây là 1 trong 3 đề án được UBND TP.HCM phê duyệt và triển khai trong thời gian tới.
Sử dụng mô hình cá chép để minh họa cho đề án xuất khẩu, ông Khắc Hiếu cho rằng các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu chính là phần đầu của cá, có nhiệm vụ mở đường cho xuất khẩu phát triển. Logistics vận tải, công nghệ và nguồn nhận lực được mô tả như vây cá, là thành phần quan trọng nhất để định hướng cho sự phát triển của xuất khẩu. Trong phần thân cá, sản phẩm truyền thống chính là cốt lõi của xuất khẩu và mang giá trị Việt ra thế giới, bên cạnh đó cũng không thế thiếu các sản phẩm công nghệ cao, xuất khẩu dịch vụ và sản phẩm số hóa. Phần đuôi cá bao gồm các ngành bưu chính, viễn thông, du lịch, tài chính; phần mềm và nội dung số được xem là động lực để thúc đẩy ngành xuất khẩu vươn xa, vươn nhanh trong thời gian tới.
Theo ông Hiếu, bên cạnh việc chăm sóc và bổ trợ cho khả năng phát triển của cá chép - ngành xuất khẩu, không thế không nhắc đến môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách. "Cơ chế, chính sách hợp lý, điều kiện tốt như là ô xy để cá chép có thể vẫy vùng và nhanh chóng "hóa rồng", ông Hiếu nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương cho biết, các ban ngành của Sở đã rất sát sao và sáng tạo khi dùng hình tượng cá chép để mô tả về sự phát triển cốt lõi của ngành xuất khẩu TP.HCM. "Hình tượng cá chép vượt vũ môn để hóa rồng đã không còn xa lạ với văn hóa Việt Nam. Tôi mong rằng khi dùng hình ảnh con cá chép để nói về ngành xuất khẩu, chúng ta sẽ cùng nhau tạo động lực mạnh mẽ để cá chép nhất định sẽ hóa rồng", Giám đốc Sở cho biết.