Muốn khối cơ khỏe mạnh, nhớ bổ sung protein
(DNTO) - Protein có vai trò vô cùng quan trọng tạo nên cấu trúc của tế bào, đặc biệt là khối cơ. Do đó, trong chế độ ăn uống hàng ngày cần đáp ứng đủ nhu cầu protein cho cơ thể. Nếu thiếu protein, cơ thể có thể gặp phải tình trạng yếu cơ, mệt mỏi, tâm trạng thất thường…, nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, protein là nhóm chất quan trọng giúp xây dựng cơ bắp cho cơ thể, tạo nên hệ miễn dịch khỏe mạnh mà nếu thiếu protein thì khả năng đáp ứng miễn dịch cơ thể giảm. Đặc biệt hơn nữa với đối tượng người ốm mệt, đối tượng trung niên, người cao tuổi càng cần khẩu phần protein nhiều hơn cả người trẻ vì khi thiếu protein sẽ yếu cơ, dễ dẫn đến ngã.
Theo khuyến nghị, cơ cấu khẩu phần protein với người bình thường từ 13-20%, nhưng với đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, người giảm cân (giảm mỡ, tăng cơ) thì cần cao hơn 25-30%. Trái lại, đối với người bị bệnh thận thì việc giảm protein lại là cần thiết, tránh việc ăn nhiều, lạm dụng protein sẽ gây rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng cả đến chức năng gan.
Các chuyên gia cho rằng, những nguồn protein lành mạnh cho chế độ ăn hàng ngày có thể tìm thấy ở các loại thực phẩm như: Các loại cá (vừa ít calo lại chứa ít chất béo bão hòa); lòng trắng trứng; thịt gà; các loại sữa ít béo hoặc không béo cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào; kết hợp sữa chua với các loại quả mọng, lòng trắng trứng tráng với rau xanh...
Đặc biệt, thức uống giàu protein là lựa chọn tốt giúp bạn bổ sung protein vào cơ thể, cung cấp năng lượng kéo dài, hỗ trợ tăng cường kiểm soát cơn đói.
Không thể phủ nhận vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người, bất kỳ hoạt động nào cũng cần phải có sự can thiệp của dinh dưỡng và các chất cần thiết cho sức khỏe. Do đó, chuyên gia dinh dưỡng lưu ý mọi người cần áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học và đầy đủ.
Cụ thể, ăn ĐỦ thành phần nhóm thực phẩm:Tinh bột, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất. Ăn CÂN ĐỐI giữa thực phẩm nguồn gốc động vật (30%), thực vật (50%); cân đối giữa năng lượng cung cấp: Gluxit, lipid, protit theo tỉ lệ…
Cần ăn hợp lý các bữa trong ngày chứ không chỉ tập trung vào một bữa nhất định. Ăn sáng, trưa nhiều hơn một chút - còn ăn tối ít đi. Có một thực tế là rất nhiều người Việt Nam thường nhịn ăn sáng, thậm chí bỏ qua bữa sáng; và ăn rất nhiều vào bữa cơm gia đình buổi tối. Trong khi người ta thường nói rằng: “Hãy ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như hoàng hậu và ăn tối như một kẻ hành khất”.
Theo PGS. Lâm, nhịn ăn sáng là thói quen xấu đáng báo động: “Nhiều bạn trẻ tăng cân nhiều thì sẽ nhịn ăn để giảm cân, nhưng giảm cân bằng khẩu phần ăn không đúng cách sẽ chỉ khiến lượng cơ giảm đi trong khi lượng mỡ không hề giảm. Chưa kể, việc nạp năng lượng một cách “no dồn, đói góp”, ban ngày ăn ít nhưng tối lại nạp nhiều năng lượng khiến cho việc tích mỡ càng nhiều hơn. Và một khi đã thừa cân béo phì thì cũng sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh mạn tính khác nhau.
Do đó, trước khi bạn thực hiện giảm cân hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng lành mạnh.