‘Muôn hình vạn trạng’ chợ thời giãn cách xã hội
(DNTO) - Đi chợ hộ, bán hàng trực tuyến, bán hàng theo combo hay sử dụng các xe lưu động phân phối thực phẩm… là những kiểu bán hàng mới được nhiều địa phương áp dụng để vừa đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực cho người dân, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Siêu thị di động
Mô hình này vừa được Sở Công thương TP.HCM phối hợp cùng một đơn vị triển khai, bằng cách tận dụng các xe buýt, bày bán hàng hơn trăm mặt hàng là nhu yếu phẩm như thịt, trứng, gạo, rau củ… Siêu thị di động dự kiến triển khai trong 2 tháng, tăng thêm 3-4 chuyến xe buýt, bán tại 1-2 điểm, chủ yếu là các quận, huyện vùng ven TP.HCM.
Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt (Bộ Công thương), hơn một tháng qua, mô hình siêu thị di động đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng trên khắp địa bàn TP.HCM, cung ứng lượng lớn thực phẩm thiết yếu cho người dân. Ngoài ra, còn có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu gửi tặng những hộ gia đình khó khăn.
Chợ tại bưu cục
Hiện đã có 5 doanh nghiệp bưu chính gồm Vietnam Post, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Netco phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai bán hàng tại các địa điểm bưu cục trên toàn quốc.
Tính đến hết ngày 7/8, các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập 3.735 điểm bán hàng hóa thiết yếu, cung ứng 14.584 tấn hàng trên toàn quốc, trị giá 448,43 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đã vận chuyển hơn 3.880 tấn hàng hóa thiết yếu theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương trong thời gian qua.
Các doanh nghiệp bưu chính cũng đang tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch tại 19 tỉnh, thành phía Nam.
Đưa chợ ra chỗ thoáng
Nhiều siêu thị ở Cần Thơ đã tận dụng khu vực sảnh, hành lang, khuôn viên của trung tâm thương mại để bày bán các quầy hàng, đảm bảo giãn cách giữa người mua. Hiện, thành phố đã triển khai được 47 điểm chợ và siêu thị, điểm bán thông minh theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc.
Theo Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công thương, đây là mô hình rất thông minh, cần được cân nhắc áp dụng với các địa phương khác có dịch khi biến chủng Delta có nguy cơ lây lan nhanh.
Bán hàng theo combo
Nhiều chợ, siêu thị tại TP.HCM sau khi được mở bán trở lại đã áp dụng kiểu bán hàng theo combo (một gói bao gồm nhiều hàng hóa thiết yếu). Người dân chọn hàng, điền đầy đủ thông tin vào phiếu, thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn, sau đó sẽ được các chợ hoặc siêu thị chuyển hàng đến theo lịch của chính quyền.
Đi chợ hộ
Mô hình đi chợ hộ, đi chợ giùm dân trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ người dân ra ngoài khi đang thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo mọi người dân đều có thể mua được hàng hóa thiết yếu.
Đối với những gia đình đang bị cách ly, một số địa phương đã tổ chức để các đoàn thể chính trị trên địa bàn “đi chợ hộ”, bằng cách phát phiếu ghi số điện thoại của người phụ trách đi chợ đến các hộ gia đình. Sau khi mua hàng, các hội sẽ phối hợp với chốt kiểm dịch giao hàng đến từng hộ dân, thu tiền và thanh toán cho người bán.
Hiện nhiều siêu thị, các đơn vị giao hàng cũng đang triển khai chương trình đi chợ hộ để phục vụ người dân.
Gian hàng 0 đồng
Để đảm bảo mọi người dân đều có hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt, đặc biệt là những hộ nghèo, lao động nghèo, nhiều địa phương triển khai gian hàng 0 đồng.
Tại tỉnh An Giang, trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, đã có hàng trăm gian hàng 0 đồng được thành lập, hàng ngàn tấn rau, củ, quả, gạo được mang đến phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chợ online
Hiện nhiều sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Vỏ sò, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart… tích cực vào cuộc để cung ứng hàng hóa thiết yếu trên nền tảng của mình.
Điển hình như chương trình Đi chợ tại nhà của sàn Sendo, hay Đi chợ online của sàn Tiki, kênh bán hàng nông sản ShopeeFarm… hay Vỏ sò với gian hàng bình ổn giá, cung cấp 2.000 mặt hàng nhu yếu phẩm… giúp người dân tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội dễ dàng mua nhu yếu phẩm online.
Chợ lưu động
Hà Nội hiện đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động tại các quận huyện, đảm bảo người dân ở khu vực có siêu thị, chợ bị phong tỏa dễ dàng mua thực phẩm mà không phải sang khu vực khác.
Ví dụ như tại quận Long Biên, đã có 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: Khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng Đảo Sen phục vụ mặt hàng thực phẩm tươi sống cho người dân.
Hay tại phường Mai Dịch, đã có 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm Văn hóa Thể thao phường và sân bóng B5, nằm ngay trong các khu dân cư để người dân thuận tiện mua hàng sau khi chợ dân sinh Đồng Xa tạm thời bị đóng cửa.