Mua sắm online tăng vọt, có siêu thị phải đóng trang mua sắm trực tuyến
(DNTO) - Theo ghi nhận của Doanh Nhân Trẻ, số lượng chợ truyền thống tại TP.HCM buộc tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch ngày càng nhiều hơn. Người tiêu dùng chuyển qua mua sắm online, khiến lượng đơn hàng tăng, thậm chí quá tải.
Tạm ngưng ứng dụng
Chị Lưu Phương, ở đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, do có nhu cầu mua sắm nên hôm nay, 28/6, chị đã vào ứng dụng mua sắm online của siêu thị Emart. Tuy nhiên, ứng dụng này đã tạm ngưng hoạt động.
Ghi nhận của Doanh Nhân Trẻ, trong ngày 28/6, trên ứng dụng mua sắm online https://emartmall.com.vn/ có thông báo “Do số lượng đơn hàng quá tải, Emartmall xin được tạm đóng ứng dụng và sẽ quay lại trong thời gian sớm nhất. Mong quý khách thông cảm và tiếp tục đồng hành cùng Emartmall. Trân trọng cảm ơn”.
Chị Kim Ngân, ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, cũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, chị thường đặt mua thực phẩm trên ứng dụng online của một số hệ thống siêu thị như Co.opmart hay Lotte Mart, tuy nhiên khá vất vả, bởi chọn đầy đủ đơn hàng xong có khi bị out ra khỏi ứng dụng, thậm chí, 3 ngày sau hàng mới được giao tới nhà.
Đồng tình với điều này, chị Kim Nguyễn, ở quận 8, cho hay khoảng một tháng nay, chị chỉ mua đồ ăn tươi sống, đồ dùng gia đình qua một số kênh online như Bách hóa Xanh, Aeon Mall. Dù vậy, không hẳn lúc nào chị cũng hài lòng bởi có khi sản phẩm cần mua thì trên kênh mua sắm online không có, hoặc có nơi chỉ giao đồ hộp, không thấy danh mục đồ tươi sống; hoặc có giao diện rất khó vào.
“Nói chung, xà quần cả buổi mà chưa đủ đồ nấu ăn” - chị Kim Nguyễn kết luận.
Mua sắm online tăng 2 tới 3 lần
Theo thông tin từ sàn thương mại điện tử Lazada, từ ngày 1/6 tới ngày 23/6, các mặt hàng tiêu dùng nhanh chiếm ưu thế vượt trội trong nhu cầu tìm kiếm trên thương mại điện tử.
Cụ thể, so với tháng 5/2021, các từ khoá được tìm kiếm thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất toàn sàn, trong đó, các từ khoá của nhóm hàng Bách hoá - Thực phẩm nổi bật hơn hết với mức tăng lên tới 40%.
Theo đó, mua sắm thực phẩm tươi sống trên thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng mới.
Sau hàng loạt các biện pháp giãn cách được ban hành trên nhiều tỉnh, thành nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, việc mua sắm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đã trở thành một thói quen mới của người tiêu dùng Việt.
Số lượng người mua và sức mua mỗi ngày (bao gồm số lượng đơn hàng và số lượng sản phẩm bán ra) đều tăng gần 70%. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trải dài khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều
Lazada cũng đưa ra một số kết quả ấn tượng trong 30 ngày qua đó là hơn 12 tấn thịt gà, 7 tấn thịt heo và 6 tấn trái cây đã được bán ra. Chương trình “Deal chớp nhoáng” tháng 6 ghi nhận kỷ lục mới với 2 tấn thịt gà bán ra trong vòng 24 giờ và 800kg nho đỏ bán ra trong vòng 12 giờ.
Thông tin từ sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, sau 3 tuần TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị, các ngành hàng tại Tiki đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc, lên đến 20%, trong đó có thể kể đến: Hàng tiêu dùng, Thiết bị Gia dụng - Nhà cửa Đời sống, Công nghệ...
Đặc biệt, số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống TikiNGON ghi nhận mức tăng trưởng gấp 2 lần so với thời gian trước giãn cách. Điều này cho thấy người tiêu dùng dần chuyển đổi thói quen mua sắm sang nền tảng online đối với nhu yếu phẩm và mặt hàng tươi sống, đặc biệt khi chỉ thị cấm các chợ tự phát tại TP.HCM hoạt động được ban hành.
Ngoài ra, các sản phẩm thiết bị gia đình, điển hình ở mặt hàng tivi, cũng ghi nhận mức độ tăng trưởng lên đến hơn 50%.
Một đại diện của hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh tiết lộ, bách hóa online 5 tháng đầu năm ghi nhận tăng gần gấp 4 lần về số lượng đơn hàng, gần 3 lần về doanh số.
Hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op cũng đang ghi nhận các đơn hàng qua điện thoại và online tăng khoảng 3 lần.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc Vận hành VinMart miền Nam cho biết, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ thống kê sơ bộ lượng khách hàng đến mua sắm trực tiếp tại siêu thị và cửa hàng tăng khoảng 20% lượng khách so với cùng kỳ. Lượng đơn đặt hàng online tăng trên 50%.