Mùa đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng quyết tâm lãi lớn

(DNTO) - Nhiều ngân hàng đặt ra các kế hoạch kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ, thể hiện sự lạc quan về tình hình kinh tế năm nay cũng như muốn các cổ đông nhìn thấy được quyết tâm của chính họ trong giai đoạn nhiều thử thách này.
Mục tiêu lợi nhuận tăng bằng lần
Các nhà băng đang bước vào mùa đại hội cổ đông. Điều được nhiều cổ đông chú ý là các mục tiêu tăng trưởng được nhiều ngân hàng đặt ra khá cao trước thềm đại hội.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) dự trình tổng lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 2,8 lần trong năm 2024 so với kết quả thực hiện năm 2023 là hơn 70 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 100 ngàn tỷ đồng, tương đương mức tăng 14%. Các mục tiêu khác như huy động khách hàng hay dư nợ cấp tín dụng ước tăng lần lượt 10% và 14%. Được biết, năm 2023, ngân hàng này chỉ thực hiện được 55% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức hơn 23 ngàn tỷ đồng, tăng 114% so với năm ngoái. Lợi nhuận của ngân hàng mẹ dự kiến đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, cao gấp 2,14 lần năm ngoái; tổng tài sản hợp nhất tăng ở mức 19%, tiền gửi khách hàng tăng trưởng 22%.

Eximbank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 5,1 ngàn tỷ đồng, cao hơn 1,8 lần so với kết quả thực hiện năm 2023 là 2,7 ngàn tỷ đồng. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng.
Hay SeABank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 4,7 ngàn tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023; huy động vốn tăng 16%, tăng trưởng tín dụng dự kiến tăng trên 16%.
Techcombank cũng đưa mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt trên 27 ngàn tỷ đồng, tăng trên 18% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng khác khiêm tốn hơn như MBB hay ACB, đặt mức kỳ vọng khoảng 10% cho mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng đều đặt ra trên 10%.
Mục tiêu có thể điều chỉnh
Có thể thấy, lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn khi cầu tín dụng suy yếu là những yếu tố có thể gây khó cho các nhà băng trong năm nay, chưa kể những tác động bên ngoài từ các yếu tố vĩ mô ngày càng khó lường hơn. Dù nhận thức rõ những yếu tố trên, tuy nhiên, các nhà băng đặt nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cũng như tính hiệu quả của các chính sách điều hành mà họ đưa ra.
Theo VPBank, kế hoạch mục tiêu là dựa trên các giả định, phân tích đối với kịch bản nền kinh tế nói chung, cũng như thực tế của chính ngân hàng.
Kết quả kinh doanh quý 1 tích cực cũng là động lực cho các bản kế hoạch trên. CEO Từ Tiến Phát của ACB trả lời cổ đông về khả năng hoàn thành kế hoạch 2024 khá tự tin, khi mà quý 1 tín dụng của ACB đã tăng 3,7% so với cuối năm, cao hơn hẳn so với cùng kỳ khi quý I năm ngoái giảm 0,6%; huy động vốn tăng trưởng 2,1%, huy động CASA cũng tốt hơn mức chung đạt 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23%.
Theo BVbank, ngân hàng này đã lường trước khó khăn nên sẽ đặc biệt thận trọng trong 6 tháng đầu năm, từ đó họ có các ứng phó linh hoạt để đưa ngân hàng đạt mục tiêu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, ông Lưu Trung Thái, trần tình với nhà đầu tư, cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến nhưng sẽ dần tăng trở lại. Đây là điều kiện rất tốt để MB đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% như đã đề ra.
Khó khăn đều được nhìn nhận, tuy nhiên các bản kế hoạch mục tiêu luôn được xem là động lực để các ngân hàng hướng tới, bởi cùng với mục tiêu đó, họ còn phải đặt ra nhiều kế hoạch, định hướng phát triển. Đây cũng là điều được các cổ đông quan tâm bởi họ nhìn thấy quyết tâm của các lãnh đạo trong tầm nhìn dài hạn. Chính điều này có thể tác động không nhỏ đến giao dịch cổ phiếu.
Tuy nhiên, có thể thấy, tất cả chỉ là kỳ vọng, dự báo của người trong cuộc. Các mục tiêu cụ thể còn có thể được chỉnh sửa để phù thuộc với tình hình thực tế của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung khi năm tài chính khép lại.
Báo cáo vừa công bố của MBS cho biết, năm nay, khả năng các ngân hàng còn phải đối mặt với rủi ro suy giảm chất lượng tài sản đi kèm áp lực trích lập dự phòng vẫn lớn. Nguyên nhân xuất phát từ việc, thu hút tín dụng bằng lãi suất thấp trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp trong 6 tháng đầu năm sẽ đẩy các ngân hàng vào trạng thái thiếu đi bộ đệm trích lập dự phòng do thu nhập lãi thấp. Theo đó, họ nhận định, nợ xấu nhà băng còn có thể tăng nhẹ 10-20 điểm cơ bản.
Dù vậy, với cả năm 2024, MBS kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan khi các ngân hàng chú trọng tăng cường trích lập và xử lý nợ xấu. Ngoài ra, yếu tố quyết định đến kinh doanh các nhà băng còn bao gồm: (1) Có NIM ổn định trước việc cắt giảm lãi suất và có lợi thế về vốn; (2) Tăng trưởng lợi nhuận ổn định, tín dụng tăng mạnh và (3) Chất lượng tài sản tốt cùng việc gia tăng trích lập năm 2023.