Mất 2 năm chờ dự án khoa học công nghệ, nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc giữa chừng
(DNTO) - Thời gian chờ phê duyệt kéo dài, thủ tục rườm rà và không rõ ràng khiến doanh nghiệp không hào hứng với các sản phẩm khoa học công nghệ của nhà nước.
Có tiền không tiêu được, thậm chí không dám tiêu
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định một trong những đột phá chiến lược của đất nước nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Dù mức chi ngân sách cho khoa học công nghệ tăng theo từng năm nhưng so với các nước còn hạn chế. Mức chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam hiện chỉ chiếm gần 0,6% GDP, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc là 2,19% GDP; Nhật Bản 3,26% GDP; Singapore 1,95% GDP và Malaysia là 1,95% GDP…
Trong toạ đàm "Cần cơ chế, chính sách đột phá để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển" hôm 6/12, ông Trần Minh, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thừa nhận ngay cả ngành công thương, một ngành có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mức ngân sách cấp cho lĩnh vực này còn khiêm tốn.
Giai đoạn 2016-2020, mức chi chiếm 3% so với tổng chi ngân sách khoa học công nghệ cả nước, và 4% so với tổng ngân sách khoa học công nghệ dành cho khối cơ quan trung ương. Chưa kể, hàng năm ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ Công thương để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo nhu cầu chiếm khoảng 70%, nhưng con số này đang giảm từ 2021 trở lại đây.
Vốn ít cũng chỉ là một vấn đề nhỏ. Điều mà khiến các cơ quan, doanh nghiệp còn khó khăn khi phát triển khoa học công nghệ là những bất cập về cơ chế giải ngân, kế hoạch, phê duyệt, hay thanh quyết toán...
Viện Nghiên cứu Cơ khí, đơn vị thuộc Bộ Công thương đã và đang triển khai rất nhiều dự án, đề tài khoa học cấp quốc gia về lĩnh vực cơ khí. Trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tới khả năng thực thi dự án.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết quá trình trình, kí hợp đồng và phê duyệt một đề tài khoa học công nghệ mất rất nhiều thời gian.
Vừa qua, Viện đăng kí một đề tài ở Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng riêng quá trình từ khi trình duyệt, phê duyệt cho đến khi kí hợp đồng mất 2 năm, ảnh hưởng đến quá trình triển khai công việc.
“Nhiều doanh nghiệp không thể chờ phê duyệt đề tài nên đã bỏ tiền ra triển khai. Nhưng khi đề tài được duyệt cũng không được than toán số tiền đã bỏ ra”, ông Phong nói.
Chưa kể, hầu hết các dự án cấp nhà nước như Dàn khoan Tam Đảo 3 hay Tổ máy 600B… khi phê duyệt dự án đều có chi phí lương chuyên gia, nhưng thực tế không tiêu được. Viện đã làm văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ này lại gửi sang Bộ Tài Chính, các cơ quan liên quan, thậm chí gửi Chính phủ rồi lại vòng về 2 bộ trên, yêu cầu làm theo quy định hiện hành. Nhưng quy định hiện tại chưa quy định mức trả lương cho chuyên gia.
“Chúng tôi phải thuê chuyên gia trình độ cao với mức lương khoảng 28.000-30.000 USD/tháng. Nhưng Chính phủ và các Bộ chưa quy định lương chuyên gia là bao nhiêu. Sau khi quyết toán lại yêu cầu phải lấy từ hợp đồng kinh tế ra chi trả. Mặc dù có tiền được duyệt nhưng không được tiêu, nói là tiết kiệm nhưng thực tế là không tiêu được”, ông Phong nêu vấn đề.
Doanh nghiệp “ngại” sản phẩm khoa học công nghệ
Vướng mắc trong cơ chế dẫn đến một thực tế là nhiều doanh nghiệp ngại triển khai, sử dụng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ. Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết các cơ quan chức năng vì thế cũng khó khăn trong tìm kiếm doanh nghiệp tham gia triển khai thử nghiệm.
Về mức thanh quyết toán, đã có quy định về khoán chi sản phẩm cuối cùng. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được trên thực tế. Một vướng mắc nữa là khâu xác định giá trị tài sản, xử lý tài sản hình thành trong quá trình thực hiện, là câu chuyện được nói đến nhiều nhưng đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án giải quyết.
“Thậm chí có doanh nghiệp tham gia nửa chừng nhưng vẫn xin rút khỏi dự án. Điều này cũng có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nhưng có nguyên nhân không nhỏ đến từ quy định khoa học công nghệ”, ông Trần Minh nêu thực tế.
Về sản phẩm khoa học công nghệ, ông Phan Đăng Phong cho biết Nhà nước hiện chỉ hỗ trợ vốn ở mức rất thấp, từ 5-10% tổng giá trị sản phẩm, số vốn còn lại phải lấy từ nguồn tự có, các hợp đồng kinh tế, vốn huy động. Nhưng khi phân loại sản phẩm do Nhà nước hay doanh nghiệp quản lý cũng gặp vướng mắc, dẫn đến khi triển khai ứng dụng ở cơ sở sản xuất, họ rất ngại dùng sản phẩm này.
“Nếu là sản phẩm khoa học công nghệ, khi muốn sửa chữa, thay đổi kết cấu thì lại phải xin phép. Một cơ sở sản xuất họ không thể ‘trình bẩm’ và chờ vài tháng chỉ để sửa một sản phẩm rất nhỏ”, ông Phong nói.
Phải chấp nhận rủi ro
Từ những thực trạng trên, theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nếu có tiền không tiêu được cũng xem là một dạng lãng phí. Theo cách nhìn của kinh tế, nếu đồng tiền không được dùng bằng cách tốt nhất thì mất đi chi phí cơ hội, chưa kể chi phí có thể mất đi nếu thời gian triển khai dự án kéo dài.
Theo vị này, nghiên cứu khoa học luôn có tính rủi ro. Rủi ro có thể đến từ người ra đề bài, quá trình phê duyệt kéo dài hay quá trình triển khai, giám sát hay kể cả ra sản phẩm vẫn có rủi ro. Tác động của sản phẩm công nghệ cũng luôn có 2 mặt tích cực – tiêu cực, ví dụ công nghệ hạt nhân rất nguy hiểm nhưng cũng có ích. Vì vậy Nhà nước khi đầu tư cho các sản phẩm khoa học công nghệ phải chấp nhận rủi ro. Hãy nhìn các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm đang làm, họ “chơi” như thế nào sẽ học hỏi rất nhiều trong cách đánh giá rủi ro.
“Rủi ro có thể 90% nhưng chỉ cần 10% chiến thắng cũng đem lại những lợi ích to lớn chưa từng có. Một tư duy chính sách rất quan trọng là không nên chọn người chiến thắng mà nên ủng hộ người chiến thắng. Họ đã bươn chải có sáng kiến, phát minh, đóng góp về khoa học công nghệ để phát triển cơ quan, tổ chức thì họ đã chứng minh được năng lực, và phải có chính sách hỗ trợ họ tiếp tục phát triển”, TS Thành nói.
Để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, theo đại diện Viện Nghiên cứu Cơ khí, cần quy định về thời gian cụ thể từ lúc đăng kí đề tài đến khi kí hợp đồng có thể từ 3-6 tháng). Trường hợp chậm phê duyệt nên có cơ chế bù chi phí cho doanh nghiệp đã lấy vốn tự có, vay ngân hàng để triển khai trước đó. Về vấn đề lương chuyên gia, nếu dự án đã có đấu thầu và quy định lương chuyên gia trong hợp đồng, thì phần chi phí Nhà nước hỗ trợ nên cho phép thanh toán bằng mức chi phí trong hợp đồng, không phải tính toán lại vì mỗi dự án sẽ có mức chi trả khác nhau.