Bộ Khoa học và Công nghệ lý giải về việc 'tồn đọng' hơn 84.000 bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa
(DNTO) - Thủ tục, quy trình xử lý đơn đăng ký vẫn còn chậm, chưa ứng dụng được các công nghệ và hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, ngày 7/6, là việc tồn đọng đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu vấn đề về việc mấy năm gần đây, người dân và doanh nghiệp rất bức xúc, than phiền về tình trạng xử lý, giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sử công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ, kéo dài, đặc biệt đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí sẽ dẫn đến những tranh chấp về thương mại...
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, hiện tại Bộ KHCN vẫn đang rất trăn trở về việc tồn đọng đơn xin cấp phép quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế… tuy nhiên, khả năng xử lý đơn của đơn vị trực thuộc Bộ chậm do số lượng đơn tăng và cũng là lĩnh vực mới.
Hơn nữa đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, nhất là thủ tục, quy trình tiếp cận của các quốc gia; có sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Cùng với đó là nguồn nhân lực chưa đẩy mạnh việc tuyển dụng và đào tạo thường xuyên dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn.
Bộ trưởng cho biết, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế tồn đọng rất lớn lên gần 100.000 đơn và liên tục gia tăng. Điều này cũng gây khó cho Bộ KH&CN, khiến chỉ số cải cách hành chính của Bộ lúc nào cũng đứng thấp. "Lý do là việc xử lý đơn đăng ký không đạt yêu cầu nên luôn bị trừ điểm".
"Giai đoạn 2017-2019, số đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá xử lý được là khoảng 102.000 đơn, giai đoạn 2020-2025 số đơn xử lý được dự kiến là 150.000 đơn. Tuy nhiên, đến 31/12/2022, còn trên 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng hơn 20.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý", Bộ trưởng thông tin.
Theo đó, Bộ KHCN sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận đơn và xét chọn, phân cấp cho địa phương để chia sẻ khối lượng công việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự để giúp xử lý vấn đề.
“Tuy nhiên, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026 mới có thể giải quyết vấn đề này bởi lượng đơn tồn đọng rất nhiều”, Bộ trưởng Bộ KH&CN thừa nhận.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước, có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại hiệu quả thiết thực? “Đâu là điểm "kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ?", ông Vân đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, nhiều công nghệ mới, tiên tiến được triển khai mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, xây dựng, giao thông vận tải. Các ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. Những kết quả trên là sự cố gắng từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Theo ông Đạt, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có những hạn chế, trong đó cơ chế chính sách chưa thực sự phát huy đối với các doanh nghiệp, các dịch vụ kết nối đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hạn chế, đặc biệt là đối với công nghệ tiên tiến.
"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng nói.
Đồng thời nhấn mạnh, "cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển"
Sắp thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đặt vấn đề: Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Tuy nhiên, sau gần 4 năm, vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời: Việc thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
"Theo dự kiến, cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tới, Bộ KHCN sẽ làm việc với Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để hình thành các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KHCN là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn, hướng tới các mô hình thử nghiệm chính sách; chọn lựa, khai thác đội ngũ chuyên gia quốc gia, quốc tế để tư vấn cho địa phương định vị và thiết kế mô hình cụ thể", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Nhấn mạnh vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ ưu tiên thành lập trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia trước tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và đến nay đã có nghị định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm này.
Trong một thời gian ngắn tới đây sẽ có trung tâm đổi mới quốc gia. Sau đó chúng ta sẽ tính đến các vùng. Chúng ta cũng khuyến khích các tập đoàn nước ngoài thành lập các trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
"Chẳng hạn như Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển rất lớn tại Hà Nội với trị giá 220 triệu USD, đủ cho 3.000 nhà khoa học nghiên cứu. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có điều kiện để triển khai tiếp các trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị Bộ KHCN tiếp tục thúc đẩy việc này theo chủ trương.