Lợi thế về giá thuê đất thấp hơn 20%, miền Bắc dẫn đầu cuộc đua bất động sản công nghiệp
(DNTO) - "Giá đất công nghiệp tại miền Bắc đang là lợi thế lớn, với mức trung bình khoảng 138 USD/m2, thấp hơn 20% so với miền Nam, cùng với đó là hạ tầng giao thông hoàn thiện đã khiến miền Bắc vượt trội hơn hẳn về số lượng và quy mô các dự án mới", Savills cho hay.
'Rốn' hút FDI nhờ chi phí rẻ và lợi thế về mặt quy hoạch
Trong bối cảnh đầu tư thế giới đều suy giảm, Việt Nam lại "ngược dòng" trong thu hút vốn đầu tư FDI khi Tổng cục Thống kê cho hay tính đến cuối tháng 7, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt hơn 10,7 tỷ USD.
Trong đó Việt Nam tăng 12% về số dự án và tăng 36% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.
Trong số các địa phương thu hút FDI hàng đầu, các tỉnh thành phía Bắc đang có nhiều lợi thế khiến các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp cũng "đổ bộ" đầu tư.
Báo cáo mới nhất của Savills, ngày 27/8 ghi nhận, khu vực miền Bắc, với các tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Phòng và Thái Nguyên, đang trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất. Trong đó, Bắc Ninh, với vị trí gần Hà Nội và cơ sở hạ tầng phát triển, đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia. Tại phía Nam, Bình Dương cũng nổi lên như một trung tâm công nghiệp quan trọng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất và chế biến.
"Tuy nhiên, miền Bắc vẫn vượt trội hơn về số lượng và quy mô các dự án mới nhờ lợi thế về chi phí, hạ tầng giao thông hoàn thiện", báo cáo của Savills nêu.
Cụ thể, giá đất công nghiệp tại miền Bắc là lợi thế lớn, với mức trung bình khoảng 138 USD/m2, thấp hơn 20% so với miền Nam. Ghi nhận hiện tại ở miền Nam, để thuê được các vị trí chiến lược thuộc các khu vực cấp 1 như Bình Dương hay TP.HCM, giá đất có thể lên tới 300 USD/m2. Trong khi đó, thị trường phía Bắc, giá thuê trung bình là 180 USD/m2 cho các khu vực cấp 1 như Bắc Ninh.
"Cơ sở hạ tầng tại miền Bắc phát triển mạnh, với 10 tuyến đường cao tốc đã hoàn thành và 4 dự án khác đang được triển khai, trong khi đó, miền Nam mới có khoảng 7 tuyến cao tốc", Savills đánh giá.
Đáng chú ý, 4 dự án khu công nghiệp mới được triển khai đã giúp thị trường có thêm 1.000ha diện tích cho thuê và 4 dự án nhà xưởng xây sẵn khác đang xây dựng cũng giúp tăng nguồn cung thêm gần 200.000m². Các tỉnh phía Bắc tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư lớn, thể hiện qua tổng diện tích hấp thụ thuần trong quý 2/2024 là 184ha. Trong khi đó, các chỉ số này tại khu vực miền Nam không cao do chưa có thêm quỹ đất để cho thuê.
Một chuyển biến khá rõ nét khác đó là miền Bắc đang có ngày càng nhiều các khu công nghiệp xanh và số lượng các dự án xanh tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, trong đó, 67% là các dự án bất động sản công nghiệp, chủ yếu ở mô hình nhà kho, nhà xưởng xây sẵn và nhà máy sản xuất.
"Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã trở nên hấp dẫn và sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển. Sự tăng trưởng của miền Bắc là do khả năng tiếp cận tuyệt vời thông qua mạng lưới hạ tầng của 7 tuyến đường cao tốc, và tiếp tục triển khai hệ thống gồm 7 tuyến đường vành đai. Phía Bắc cũng thuận lợi để đón nhận làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần trong chiến lược Trung Quốc +1”, chuyên gia nhận định.
Bài toán thiếu hụt lao động có tay nghề cao
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp từ 200% xuống 160%, khuyến khích các nhà băng cho vay. Sự “cởi mở” của dòng tiền là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy bất động sản công nghiệp đang thăng hoa. Điều này cũng lý giải vì sao dòng vốn FDI liên tục chảy mạnh, tác động tích cực đến phân khúc được dự báo tiếp tục là tâm điểm trên thị trường bất động sản.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG, Intel, Foxconn đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất điện tử của khu vực. Gần đây, tổng vốn đầu tư của Foxconn vào Việt Nam đã được nâng lên mức 1,5 tỷ USD với dự án nhà máy tại Bắc Giang phục vụ việc lắp ráp và chế xuất linh kiện điện thoại. Điều này cũng cho thấy xu hướng đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao ở khu vực miền Bắc.
Đơn cử, vào hạ tuần tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, công bố thông tin thành lập pháp nhân triển khai dự án quy mô hơn 383 triệu USD tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh, tỉnh Bắc Ninh...
Thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá đang ở thời kỳ sôi động và có triển vọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc chạy đua để tạo ảnh hưởng ở những khu vực quan trọng, châu Á được kỳ vọng sẽ bứt phá, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện mình để giành phần thắng. Để hút dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn từ các ngành “hot” như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... các địa phương, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng để có thể đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu khắt khe của ngành công nghiệp đặc thù này.
“Công nghiệp bán dẫn cần lượng điện khổng lồ. Do vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn. Đặc biệt, việc cải thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp và các thị trường tiêu thụ sẽ giúp tối ưu hóa chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp", ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Hà Nội, đánh giá.
Đặc biệt, ông Thomas Rooney nhấn mạnh, một trong những thách thức lớn là sự thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao. Qua khảo sát của Manpower Group, hiện có khoảng 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. "Lỗ hổng" này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất.
“Về dài hạn, việc xây dựng các trường đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn và khoa học kỹ thuật là rất quan trọng để tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản vững chắc hơn cho ngành sản xuất”, vị chuyên gia nói.