'Lợi nhuận cần tăng lên 15% khi xây dựng nhà ở xã hội mới thu hút nhà đầu tư'
(DNTO) - Theo các chuyên gia, làm nhà ở thương mại khó 1 thì nhà ở xã hội khó 3 bởi ngoài nhiều lợi nhuận từ một dự án nhà ở xã hội chỉ khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Cần tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15%.
Chia sẻ về những điểm mới trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) liên quan đến chính sách nhà ở xã hội, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 19/9, với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới. Dự án luật có 8 nhóm chính sách trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm nguyên tắc về tính thống nhất với các Luật Đất đai, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, cũng như, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Trong đó, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, giao UBND cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt, như vậy có thể dành quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án độc lập cho nhà ở xã hội. Cùng với đó là nhóm chính sách ưu đãi chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội như miễn tiền sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi…
"Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, Dự thảo luật đã giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội, bỏ tiêu chí về cư trú. Như vậy công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở. Ngoài ra dự án luật còn cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua", Thứ trưởng nhấn mạnh và tin tưởng với những sửa đổi này thời gian tới sẽ tạo cơ chế thông thoáng thúc đẩy nhà ở xã hội.
Đặc biệt, để chính sách nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có những điểm mới và đột phá, khuyến khích địa phương và thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong phát triển nhà ở xã hội, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dưới góc nhìn của địa phương, theo chiến lược phát triển nhà, mục tiêu thành phố phát triển 6,8 triệu m2. Đây là chỉ tiêu lớn.
Để hoàn thành mục tiêu này, việc đề xuất, tham mưu chính sách thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia là cần thiết. Trong đó, thành phố đề nghị cần có giải pháp cải cách về trình tự thủ tục, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội...
"Làm nhà ở thương mại khó 1 thì nhà ở xã hội khó 3 bởi ngoài nhiều lợi nhuận từ một dự án nhà ở xã hội chỉ khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Nhiều doanh nghiệp trần tình, cần có mức hoặc hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở xã hội", ông Minh nói.
Thực tế, trong khi người lao động thu nhập thấp khó tiếp cận với nhà ở xã hội thì nhiều chủ đầu tư cũng không mặn mà bởi mức lãi định mức 10% cho chủ đầu tư nhà ở xã hội không đủ để thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
"Ngoài việc liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), được sử dụng số tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Tôi cho rằng, cần đề xuất tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ mức 10% lên 15% để hút nhà đầu tư", ông Minh kiến nghị.