Lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng tương đối trong cơ cấu thu ngân sách
(DNTO) - Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, từ năm 2006, tỉ trọng thu thuế trong tổng thu ngân sách của Việt Nam giữ ở mức trên 80%. Gần đây tỉ trọng này giảm còn 75% do thu từ lệ phí, các nguồn thu không phải từ thuế tăng tương đối trong cơ cấu thu ngân sách.
Gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn
Tại hội thảo “Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam hướng tới một hệ thống thuế công bằng”, tổ chức hôm nay 16/12, TS. Thế Anh nhấn manh, tốc độ tăng thu thuế là tương đương với tốc độ tăng của GDP. Kể từ năm 2011 tỉ lệ thuế trên GDP của Việt Nam ổn định ở mức xung quanh 18%.
Theo nghiên cứu, tỉ trọng thuế trực thu đã giảm liên tục trong giai đoạn 2012 – 2017, từ 44,6% năm 2012 xuống chỉ còn 33,8% năm 2017. Điều này phần nào giảm đi tính lũy tiến của hệ thống thuế Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018 – 2019 số liệu ước tính của Bộ Tài chính cho thấy tỉ trọng thuế trực thu có xu hướng tăng trở lại, ước đạt 38,9% năm 2019.
Thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất mặc dù đang có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính đó là việc áp dụng ngày càng nhiều các ưu đãi thuế cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Thuế thu nhập cá nhân đã tăng trưởng mạnh nhưng vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. “Tỉ trọng của thuế gián thu trong tổng thu thuế ngày càng tăng và đã vượt quá con số 60% vào năm 2016 và chiếm 11% GDP. Thuế giá trị gia tăng là nguồn thu, chiếm từ 50% đến 60% tổng số thu của thuế gián thu trong giai đoạn 2006 - 2019”, TS. Thế Anh nêu trong báo cáo.
Cũng theo TS. Phạm Thế Anh, Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN, nhưng tỉ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất. Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn và cần có sự thay đổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
TS. Thế Anh phân tích thêm, khi GDP và thu ngân sách tăng, tỉ trọng về thuế thu nhập (bao gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp) trong thu thuế thường tăng, thay thế cho các loại thuế tiêu thụ và thương mại.
“Hiện tại tỉ trọng thu thuế thu nhập ở Việt Nam vẫn còn thấp. Xu hướng cho thấy thuế trực thu vẫn đang tiếp tục giảm về tỉ trọng so với số gián thu. Cải cách thuế cần xây dựng hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu”, ông Thế Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo TS. Thế Anh, trong nghiên cứu này chỉ tập trung nghiên cứu nguồn thu, còn nguồn chi vẫn chưa làm được.
“Thu thuế thì như vậy, chúng tôi cũng mong muốn được làm rõ các khoản chi. Ngoài ra còn rất nhiều quỹ ngoài ngân sách. Đó là phí và kinh phí công đoàn. Có thể thấy bức tranh ngân sách của Việt Nam tương đối phức tạp”, ông Thế Anh cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cũng đề xuất nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát, nghiên cứu thêm phần chi.
“Hiện nguồn chi có nhiều điều cần được làm rõ, đặc biệt là phần chi lễ tân cao bất thường; chi nghiên cứu khảo sát trong và ngoài nước cũng rất cao. Hay nguồn chi cho phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục thế nào. Đặc biệt chi giáo dục đại học thấp, còn thu lại rất lớn”, TS. Lê Đăng Doanh thẳng thắn nói.
Dẫn chứng số liệu theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), TS. Doanh cho hay, có hơn 50% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả chi phí không chính thức.“Theo tôi, đây là những nguồn đóng góp đáng kể. Vì vậy, nhóm nghiên cứu nên tham khảo thông tin để làm nghiên cứu”, TS. Doanh đề xuất.
Tại sao Việt Nam vẫn chưa có sắc thuế mang tên Thuế tài sản?
Cũng tại hội thảo, liên quan đến bài nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về khả năng áp dụng và tác động của Thuế tài sản tại Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính, đã lý giải về nguyên nhân tại sao đến nay vẫn chưa có một sắc thuế mang tên Thuế tài sản.
Theo TS. Tuyến, có một thực tế là hiện chúng ta không dễ thu đối với Thuế tài sản bởi sự đồng bộ giữa các bộ luật có vấn đề.
“Luật đất đai với quy định giá đất đai được công bố theo giá thị trường. Nhưng giải thích về giá thị trường về thuế đất đai lại không phải như vậy. Ví dụ ở Hà Nội có nơi có giá 2 tỷ đồng/m2. Trong khi đó giá của UBND TP. Hà Nội đưa ra nơi cao nhất chỉ 200 triệu/m2, chênh rất nhiều. Vậy khi ban hành luật thì căn cứ vào giá nào, giá vài tỷ đồng/m2 hay giá chỉ vài trăm triệu đồng?”.
Thứ nữa theo TS. Tuyến, có gia đình từ đời ông bà có biệt thự ở Hà Nội, biệt thự này trị giá vài trăm tỷ đồng, trong khi thu nhập của người cháu chỉ 10 triệu đồng/tháng. Vậy nếu đánh thuế tài sản ngôi biệt thự 100 tỉ sẽ thế nào. Liệu người con, người cháu kia có đủ tiền nộp thuế tài sản không, và còn liên quan nhiều vấn đề khác nữa.
“Thực thi luật thuế không đơn giản. Ngoài ra còn quản lý thu nhập, quản lý đối tượng phải tính đến trong quá trình ban hành luật thuế. Việc này đã được ghi trong chiến lược. Nếu không thực thi được thì ban hành luật cũng vô nghĩa. Nhưng trong tương lai, luật này sẽ được ban hành thôi”, TS. Tuyến cho biết.