'Lão hoá lành mạnh': Người mắc bệnh không lây nhiễm cần lưu ý gì?
(DNTO) - Theo các chuyên gia y tế, bệnh không lây nhiễm gồm các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... đẩy nhanh quá trình lão hoá của con người. Những người mắc bệnh không lây nhiễm để có thể lão hoá một cách lành mạnh cần phải lưu ý gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lão hóa lành mạnh chỉ diễn ra khi bạn chủ động điều chỉnh phong cách sống, tạo môi trường và các xúc tác cần thiết để trải nghiệm trọn vẹn, khỏe mạnh trong từng giai đoạn của quá trình lão hóa. Thay vì thỏa hiệp cùng lão hóa như một quá trình mặc nhiên phải chấp nhận, mỗi người hoàn toàn có thể chuẩn bị cho sự “già đi” của bản thân bằng những thay đổi quan trọng và thiết thực trong đời sống.
Điều đáng lo ngại, các chuyên gia y tế cho biết, bệnh không lây nhiễm gồm các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... là “kẻ thù” của lão hoá lành mạnh. Theo WHO, các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 63% số ca tử vong trên toàn cầu. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khoảng 71% trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm xảy ra ở các nước kém phát triển và đang phát triển và nếu vấn đề này không được coi trọng thì con số sẽ còn tăng lên trong tương lai. Những người mắc bệnh không lây nhiễm do đó cần lưu ý để đối diện với lão hoá lành mạnh để đảm bảo sức khỏe.
Một cuộc khảo sát gần đây của Công ty dinh dưỡng Herbalife Nutrition trên 5.500 người tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi được hỏi về thay đổi nào quan trọng nhất để có thể lão hóa lành mạnh, 81% người tham gia khảo sát đều tin tưởng việc lựa chọn dinh dưỡng tốt sẽ giúp già đi khỏe mạnh. Khảo sát của Herbalife đã ghi nhận người dân thường chọn thực phẩm dinh dưỡng bổ sung là vitamin tổng hợp (75%) và canxi (53%) mà bỏ qua protein. Cứ 10 người tham gia khảo sát thì chỉ có 3 người chọn protein và xem đây là thực phẩm bổ sung hướng đến lão hóa lành mạnh.
Theo các chuyên gia, protein là thực phẩm không thể thiếu cho sự phát triển và sức khỏe của cơ bắp. Cùng với chế độ dinh dưỡng tốt, một lối sống năng động sẽ giúp bạn đạt được trạng thái tốt nhất lúc trẻ, duy trì sức khỏe trong quá trình lão hóa. Nhìn chung, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ chống lại suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, cũng như một loạt các bệnh không lây nhiễm và các tình trạng sức khỏe khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, trước tiên, chúng ta phải kiểm soát tích cực bệnh không lây nhiễm, kiểm tra huyết áp để giảm dự phòng biến cố tim mạch, kiểm soát đường máu tốt vì đây là kẻ thù số 1 của quá trình chống lão hoá, làm tăng chất lượng cuộc sống.
Đối với người chưa có bệnh thì phòng bệnh bằng cách không sử dụng thực phẩm có chất béo, đường cao. Nếu là người có bệnh, cần phải kiểm soát chặt chẽ đưa bệnh về đích kiểm soát yếu tố nguy cơ, biến chứng tim mạch cao nên dự phòng kiểm soát bệnh, chế độ ăn đúng đắn mới kiểm soát được. Nếu đẩy lên chuyển hoá quá tích cực thì làm gia tăng quá trình lão hoá, nếu đưa về cân bằng nó không làm gia tăng bệnh tật thì lão hoá tích cực và thành công.
Nữ chuyên gia về dinh dưỡng cho biết thêm, chế độ ăn có thể hỗ trợ dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. “Như người mắc bệnh tiểu đường, chúng tôi làm chuyên môn thì thấy những người được tư vấn chế độ ăn sớm thì 15 năm sau chưa có biến chứng về thận, huyết áp, mắt... Ngược lại, những người không được tư vấn dinh dưỡng thì 5 năm sau đã thấy biến chứng” - PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau xanh theo tỉ lệ 500g/ngày, vào bữa ăn ăn gạo lứt, gạo nẩy mầm theo công nghệ Nhật Bản giúp kiểm soát đường máu; ăn quả chín 100 - 300g/ngày dạng miếng, không ăn dạng ép, sinh tố. Người bị tiểu đường cũng nên chia nhỏ bữa ăn, bữa phụ có thể ăn bánh quy, ăn ngô, chuối, táo đều dùng được. Đối với bệnh COPD thì chúng ta chú ý cân bằng đủ chất, tránh đường ngọt, đồ ăn nên giàu chất béo có lợi sức khoẻ như DHA, omega 3, vi chất chống oxy hoá.