Làn sóng bán giải chấp DIG của lãnh đạo DIC Group chưa có dấu hiệu dừng lại
(DNTO) - Hàng chục triệu cổ phiếu DIG liên tiếp chịu cảnh bán giải chấp khi chứng khoán lao dốc. Cùng đó, giá cổ phiếu DIG rớt thảm tới 50% trong tháng đã khiến nhóm ngành bất động sản chịu nhiều tác động.
Ngày 8/11, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đưa tin về việc bán giải chấp gần 2,5 cổ phiếu DIG. Trước đó, một loạt công ty chứng khoán khác đã phải thực hiện động thái này với DIG.
Cụ thể, ACBS sẽ bán giải chấp hơn 1,06 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Hội đồng Quản trị DIC Group, ông Nguyễn Thiện Tuấn, từ ngày 9/11. Cùng đó, 1,42 triệu cổ phiếu của Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường, con trai ông Tuấn, cũng chịu chung số phận. Với mệnh giá 14.400 đồng/cp chốt phiên ngày 8/11, ước tính ACBS thu về khoảng 35 tỷ đồng.
Cũng trong hai ngày 8 và 9/11, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) có một loạt thông báo liên quan đến việc bán giải chấp DIG. Theo đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân bị bán giải chấp trên 3,5 triệu cổ phiếu DIG, tương đương với giá trị khoảng 50 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 7/11, Chứng khoán Yuanta cũng bán giải chấp khoảng 5 triệu cổ phiếu DIG của cha con Chủ tịch DIC Group, trong đó Chủ tịch Tuấn có 2,1 triệu cổ phiếu, hai Phó chủ tịch, cũng là hai con của ông, mỗi người 1,4 triệu cổ phiếu DIG. Tính theo mệnh giá cùng ngày là 15.450 đồng/cp, giao dịch trên có giá trị lên tới hơn 70 tỷ đồng.
Làn sóng bán giải chấp với DIG không chỉ xuất hiện trong tháng 11 mà cuối tháng 10 đã bắt đầu nhen nhóm. Ngày 27-28/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng từng bị bán giải chấp hơn 3 triệu cổ phiếu DIG. Cổ đông lớn nhất của DIG là Công ty Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng bị bán giải chấp hơn 4,2 triệu cổ phiếu trong ngày 27/10. Ngày 31/10 và 1/11, Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp gần 1,4 triệu cổ phiếu.
Ngày 9/11, trước việc cổ phiếu tiếp tục bị giảm sâu, DIC Group đã có văn bản gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc hoán đổi, bổ sung tài sản đảm bảo cho ba lô trái phiếu trị giá 3,5 ngàn tỷ đồng.
Tính đến hôm nay, DIG đã trải qua 4 phiên nằm sàn liên tiếp và kết phiên chỉ còn 13.400 đồng/cp, giảm sâu từ mức đỉnh 98.000 đồng/cp hồi đầu năm. Tính trung bình hơn một tuần qua, mã này đã mất 28% giá trị, nếu tính trong một tháng qua, hơn 50% giá trị DIG bốc hơi.
Đáng chú ý, không chỉ DIG, khá nhiều mã chứng khoán bất động sản cũng rơi vào cảnh bị bán giải chấp. Cổ phiếu nhóm ngành này nhiều phiên gần đây bị giảm sâu, nhiều mã nằm sàn liên tục nhiều phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư bi quan hơn với nhóm ngành này.
Thực tế, giá cổ phiếu giảm sâu thời gian qua là điều nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khó lường tới. Các doanh nghiệp bất động sản, không chỉ riêng DIG, đang chịu nhiều áp lực về dòng tiền do nguồn vốn bị siết lại. Khi cổ phiếu giảm, dòng tiền mặt không đủ nộp công ty chứng khoán để đảm bảo ký quỹ an toàn thì các lãnh đạo lớn bị bán giải chấp là điều dễ hiểu.
"Khi sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, thường tỷ lệ ban đầu là rất cao, nhưng không ai nghĩ giá cổ phiếu của doanh nghiệp mình lại giảm sâu vậy", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI Research cho biết.
"Chúng ta có niềm tin sẽ có những ngưỡng cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải mua vào để đỡ giá nếu không sẽ bị call margin, nhưng nhiều khi không phải vậy", ông Hưng cho biết. Tuy nhiên theo ông, đây lại là suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư hiện nay. Và với áp lực bán giải chấp, ở một góc độ nào đó đôi khi khiến các doanh nghiệp có thể cảm thấy "thoải mái với khoản vay" này.
Khá nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, một khi thị trường tiếp tục giảm quá sâu, không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng call margin ở cấp độ doanh nghiệp.