Lãnh đạo bị bán giải chấp, hàng chục triệu cổ phiếu bất động sản dư sàn
(DNTO) - Việc bán giải chấp của các cổ đông lớn trong lĩnh vực bất động sản khiến thị trường phản ứng mạnh, hàng chục triệu cổ phiếu bất động sản dư sàn trong phiên.
Từ đầu năm đến nay, tính trung bình nhóm cổ phiếu bất động sản đánh mất khoảng 42% giá trị, trong đó tập trung trong tháng 10 mất khoảng 18,3%. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức sụt giảm sâu, từ mức đỉnh trên 20 ngàn mỗi đơn vị giờ chỉ còn dưới 10 ngàn mỗi mã, thậm chí không ít mã chỉ còn tương đương ly "trà đá".
Phiên giao dịch hôm nay, 7/11, nhóm bất động sản càng đuối sức khi hơn 50% cổ phiếu trong nhóm chịu cảnh giá sàn, hàng chục triệu cổ phiếu dư bán, nhiều mã trắng bên mua, nhà đầu tư thờ ơ với nhóm cổ phiếu có thời từng vô cùng hấp dẫn trên thị trường.
Có thể kể đến như API (-9,8%) từ 43.000/cp còn 7.300 đồng/cp; ITC (-6,9%) từ mức 24.000 đồng/cp giờ chỉ còn 7.500 đồng/cp; TCH (-6,9%) từ 25.000 đồng/cp còn 6.800 đồng/cp... Tính trung bình nhóm này mất 2,8% trong phiên hôm nay với 39 mã giảm sàn. Tính từ đầu tháng 11 đến nay chỉ với 5 phiên giao dịch, nhóm này cũng đã mất khoảng 5%.
Theo đà giảm chung của thị trường, nhóm bất động sản mất điểm cũng là điều dễ hiểu, tuy nhiên đà giảm sâu như trong phiên hôm nay được chuyên gia nhìn nhận là căn nguyên tổng hòa từ các yếu tố: sự siết chặt thị trường trái phiếu, sự eo hẹp của zoom tín dụng... và đặc biệt có nguyên nhân từ áp lực bán giải chấp cổ phiếu từ các cổ đông lớn.
"Khó khăn của nhóm ngành bất động sản ai cũng nhìn thấy như sự siết chặt trái phiếu, zoom tín dụng.. khiến các nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản gặp khó. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp càng đói vốn", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng Tự doanh, Chứng khoán Kiến Thiết, phân tích với nhà đầu tư ngày 7/11.
Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm đến các cách như bán với giá triết khấu hơn, hoặc đi cầm cố cổ phiếu với một mức nào đó để rút tiền ra tạo thanh khoản. Tuy nhiên, giá cổ phiếu giảm hoặc gặp các vấn đề rắc rối như tin đồn, các công ty chứng khoán để bảo vệ nguồn vốn phải bán ra cổ phiếu.
"Nhiều mã dư sàn, khi có tin đồn nhiều mã dư hàng chục triệu vì áp lực bán giải chấp từ những cổ đông lớn khiến nhóm này bị ảnh hưởng", ông Kháng cho biết.
Điểm mặt những mã chịu cảnh bán giải chấp
Trong hôm nay, 7/11, Chứng khoán Yuanta công bố dự kiến bán giải chấp 2.131.548 cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), 1.474.031 cổ phiếu của ông Nguyễn Hùng Cường, con trai ông Tuấn, Phó Chủ tịch và 1.445.105 cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, con gái ông Tuấn, Phó Chủ tịch DIC Corp.
Trước đó, ngày 3/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã bán hơn 3 triệu cổ phiếu vào phiên 27-28/10; ông Nguyễn Hùng Cường bán gần 1,38 triệu cổ phiếu trong ngày 30/10 và 1/11, đều do công ty chứng khoán bán giải chấp. Ngày 4/11, Mirae Asset cũng đã công bố bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của Chủ tịch DIC Corp.
Mã DIG đã có hai phiên giảm kịch sàn. Cuối năm ngoái, DIG từng có giá 79.000 đồng/cp thì kết phiên hôm nay DIG chỉ còn 15.450 đồng/cp.
Cũng trong hôm nay, Chứng khoán Tân Việt thông báo sẽ bắt đầu bán giải chấp cổ phiếu đối với 750.000 cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Cùng với đó, TVSI cũng sẽ bán giải chấp 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.
Mã PDR của Phát Đạt cũng giảm 6,9% trong phiên ngày 7/11, còn 34.900 đồng/cp, trước đó mã này từ giữ giá hơn 70.000 đồng mỗi đơn vị.
Cách đây ít ngày, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư LDG cũng bị buộc bán ra 713.000 cổ phiếu LDG thông qua phương thức khớp lệnh trong ngày 28/10, do công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Hưng giảm từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ, tức từ trên 27,1 triệu cổ phiếu LDG về còn 26,4 triệu đơn vị.
Số lượng doanh nghiệp bán giải chấp không phải nhiều tuy nhiên lại ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý một số nhà đầu tư, qua đó tác động mạnh tới thị trường. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư không nên đánh đồng chất lượng các doanh nghiệp với nhau, từ đó tạo nên hiệu ứng xấu không đáng có. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn có dòng tiền tốt, khả năng thích ứng cao và sức bật tốt trong giai đoạn hiện nay.
VNDirect cho biết, nhà đầu tư nên hướng đến những doanh nghiệp chất lượng như sở hữu những đặc điểm: quỹ đất lớn, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng để mở bán; có sản phẩm liên quan phân khúc căn hộ tầm trung và bình dân vì những phân khúc này được thúc đẩy bởi nhu cầu ở thực, ngoài ra có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định, có bảng cân đối tài chính lành mạnh như tỷ lệ đòn bẩy thấp, thanh khoản cao nhằm hạn chế các rủi ro thắt chặt tài chính tín dụng đối với thị trường.