Lượng lớn cổ phiếu của Hòa Phát bị sang tay, điều gì đang xảy ra với HPG?
(DNTO) - Một khối lượng lớn HPG của tỷ phú Trần Đình Long bị sang tay. Hòa Phát cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả không mấy sáng sủa, tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành thép.
Tính từ đầu tháng 10 đến ngày 28/10 vừa qua, trung bình mỗi phiên, mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát giao dịch khoảng 27 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch trung bình giao động mỗi phiên từ 400-600 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong hai phiên vừa qua, HPG ghi nhận lượng giao dịch đột biến, luôn là mã dẫn đầu trên sàn HoSE về khối lượng giao dịch.
Ngày 31/10, HPG có hơn 66 triệu cổ phiếu được giao dịch, với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, HPG cũng có giá nằm sàn với mức giảm 6,8%, chốt phiên tại 15.650 đồng/cp. Phiên đầu tháng hôm nay, 1/11, số lượng HPG giao dịch tiếp tục tăng lên con số 87 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 15% tỷ trọng cổ phiếu của Hòa Phát được giao dịch. Tổng giá trị giao dịch trong phiên đạt hơn 1.240 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng góp phần lớn vào đà bán tháo này khi bán ròng hơn 35 triệu HPG. Trong khi VN-Index tăng hơn 5,8 điểm, nhiều mã chứng khoán khởi sắc, HPG lại tiếp tục chịu cảnh mất giá 4,1%, chỉ còn lại vỏn vẹn 15.000 đồng/cp.
Như vậy chỉ trong hai phiên gần nhất, HPG đã mất tới 10%, cùng đó là hơn 150 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng. Theo đó, giá trị vốn hóa toàn thị trường của "ông vua" ngành thép bị sụt giảm nặng nề. Hòa Phát chỉ còn hơn 87 ngàn tỷ đồng, hoàn toàn mất vị trí trong nhóm vốn hóa trên 100 ngàn tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Hòa Phát cũng là doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3. Theo đó, tập đoàn này ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 34.400 tỷ đồng, giảm tới hơn 4.400 tỷ đồng, tương ứng giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, doanh nghiệp phải gánh mức lỗ sâu sau thuế hợp nhất tới 1.786 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đang lãi 10.350 tỷ đồng. Một năm nhiều khó khăn với Hòa Phát nói riêng và ngành thép trong nước nói chung.
Khó khăn này cũng đã nằm trong dự liệu của ông Trần Đình Long, ông từng nói với các nhà đầu tư trong lần Đại hội cổ đông vừa qua: "Mọi người cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3 và hết năm rồi sẽ thấy tại sao tôi thận trọng. Kế hoạch năm nay là khó". Cũng theo ông, ngành thép đang không thuận lợi và sẽ đến lúc cổ đông thấy tình hình thê thảm thế nào. Và kết quả kinh doanh quý 3 của Hòa Phát dù không muốn nhưng cũng đến lúc các cổ đông phải chấp nhận sự thật này.
Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, việc dòng tiền bất ngờ gia nhập HPG cũng khiến cho không ít người phải bất ngờ, nhất là khi câu chuyện về Hòa Phát đã không còn xa lạ với nhiều người.
Theo một chuyên gia chứng khoán, với Volume (khối lượng giao dịch) lớn như vậy thì chắc chắn cần những tổ chức lớn với danh mục lớn. "Chắc chắn họ cũng chỉ có thông tin như chúng ta thôi. Vậy tại sao lại đi lượng tiền lớn như vậy?", vị chuyên gia cho biết.
Theo ông, quan trọng nhất là nhà đầu tư cần quan sát tầm nhìn của những "tay to" này như thế nào? Kỳ vọng đầu tư của họ là ngắn hay dài? Từ đó nhà đầu tư nhỏ lẻ mới nên quyết định tham gia hay không? Cũng theo ông, có một điểm nhận diện là nếu đầu tư dài hạn thì dù cổ phiếu tăng ngắn hạn họ vẫn không chốt lời, hoặc có cung hàng tiếp họ vẫn chuẩn bị nguồn vốn để mua tiếp.
Thị trường chứng khoán đang nhiều bất ổn, mọi sự cẩn thận, đúng chiến lược và bài bản sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế tối đa mất mát có thể xảy ra.
Chốt phiên giao dịch hôm nay, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.033 điểm, tăng 5 điểm, tương ứng 0,57%, HNX-Index tăng 1,9 điểm đạt 212 điểm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm đạt 76 điểm. Nhóm ngân hàng và chứng khoán khởi sắc với các đại diện như TCB, VPB, STB, OCB...