Làm việc linh hoạt tiếp tục lên ngôi
(DNTO) - Trước tình hình bóng ma Covid-19 lăm le trở lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng mô hình làm việc linh hoạt nên được phát huy và tiếp tục được áp dụng ở nhiều nơi.
Bà Trang Lâm, Giám đốc Marketing Asus nói rằng khi Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường thì các doanh nghiệp, tổ chức đang quen dần và chuyển sang mô hình làm việc lai (Hybrid) và linh động (Flexibility) nhằm duy trì hoạt động kinh doanh liên tục.
Điều đáng mừng là theo báo cáo của IDC, 75% doanh nghiệp tin rằng họ đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về làm việc linh động. Trong đó, máy tính xách tay và điện thoại thông minh là yêu cầu quan trọng cần đầu tư đối với doanh nghiệp để phù hợp với mô hình làm việc lai (Hybrid).
So sánh điều kiện làm việc của Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APJ), IDC chỉ ra rằng doanh nghiệp Việt Nam không có khoảng cách lớn với doanh nghiệp APJ về cách làm việc với chổ ngồi linh hoạt theo tỉ lệ lần lượt là 11% và 10% và tỉ lệ doanh nghiệp làm việc từ xa của Việt Nam là 19% so với 26% của doanh nghiệp APJ.
Việc trang bị công nghệ thích hợp để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa đóng vai trò then chốt để mang đến cho nhân viên trải nghiệm tích cực và nâng cao năng suất lao động. Vì vậy IDC kết luận rằng việc doanh nghiệp quyết định mua sắm thiết bị máy tính xách tay cho nhân viên sử dụng cần được đánh giá cho phù hợp với nguyện vọng của nhân viên, đặc biệt là những người lao động trẻ với khả năng nhạy bén hơn về kỹ thuật số và có yêu cầu sắp xếp công việc linh hoạt hơn.
Báo cáo từ IDC đã chỉ ra không có sự “lệch pha” nhiều trong các mối quan tâm hàng đầu giữa doanh nghiệp và nhân viên liên quan đến việc trang bị máy tính làm việc. Doanh nghiệp và nhân viên đều ủng hộ cách làm việc từ xa và đều quan tâm đến các yếu tố như: Tính an toàn và bảo mật của thiết bị, thời lượng pin, chi phí dịch vụ hậu mãi, bảo trì, chi phí mua hàng…
Theo thống kê của IDG, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tính theo quy mô lần lượt đạt 17.000 doanh nghiệp lớn, 211.185 doanh nghiệp nhỏ, 382.444 doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng góp khoảng 40% vào tổng GDP cả nước. Vì vậy có thể thấy sự sống còn của những doanh nghiệp vừa và nhỏ là chiếm một phần không nhỏ cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo.
Theo Quỹ tiền tệ IMF, Việt Nam được dự đoán có GDP đạt 6.5% trong năm 2021, cao hơn đánh giá nội bộ từ Việt Nam.
Bà Trang Lâm (Asus) khuyến khích để đạt được các mục tiêu trên, doanh nghiệp cần phải đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh, phương thức làm việc mới để ứng biến với giai đoạn “bình tường mới”.
Ở một góc nhìn khác, Ông Phó Đức Giang – Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ an toàn thông tin PwC Việt Nam cũng lưu ý rằng trong năm mới 2021, khi các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh thì không thể không xem trọng vấn đề “niềm tin kỹ thuật số”. Trong đó, ông Giang lưu ý lãnh đạo doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến chiến lược an ninh thông tin; xem xét lại ngân sách an toàn thông tin, đầu tư vào lợi thế để san bằng với kẻ tấn công, xây dựng khả năng phục hồi cho mọi tình huống và chuẩn bị đội ngũ bảo mật.