Kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng tốc phục hồi trong những tháng cuối năm 2023

(DNTO) - Xuất khẩu tiếp tục cho thấy những tín hiệu phục hồi trong tháng 8/2023. Dù con số tăng trưởng chưa thật sự ấn tượng, song đây là những tín hiệu vui và được các chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam - một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 9,0% so với tháng trước (-6,7% so với cùng kỳ) lên 32,8 tỷ USD, cải thiện so với mức giảm nhẹ 0,2% theo tháng trong tháng 7. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi tích cực trong tháng 8, bao gồm: sản phẩm điện tử và máy tính tăng 4,3% so với tháng trước (+6,1% so với cùng kỳ); máy ảnh và máy quay phim tăng 78,1% so với tháng trước (+9,9% so với cùng kỳ); phương tiện vận tải tăng 5,2% so với tháng trước (+12,1% so với cùng kỳ).

Việt Nam ghi nhận xuất khẩu ròng 19,9 tỷ USD trong 8 tháng năm 2023. Nguồn: TCTK, Tổng cục Hải quan, VNDIRECT RESEARCH
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng gây thất vọng, bao gồm: giày dép (-4,2% so với tháng trước, -25,3% so với cùng kỳ); máy móc và thiết bị (+3,6% so với tháng trước, -19,5% so với cùng kỳ); dệt may (+5,0% so với tháng trước, -14,2% so với cùng kỳ). Lũy kế 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 228,2 tỷ USD (-9,8% so với cùng kỳ).
Ông Đinh Quang Hinh, Chuyên viên phân tích của VNDirect đã đưa ra kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm 2023 do một số yếu tố như nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực hơn so với kỳ vọng. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho và áp lực lạm phát giảm bớt ở các nước phát triển sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, chu kỳ thay thế điện thoại thông minh cũ bằng điện thoại mới là khoảng 25,3 tháng (theo China Mobile Terminal Lab), sẽ thúc đẩy xuất khẩu điện thoại của Việt Nam từ quý 4/2023.
Sự phục hồi của nhập khẩu là một tín hiệu sớm báo hiệu cho sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong những tháng tới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 29,3 tỷ USD trong tháng 8/2023, tăng 8,2% so với tháng trước (-7,2% so với cùng kỳ), cải thiện so với mức tăng 2,8% so với tháng trước (-10,6% so với cùng) của tháng 7...

Dòng vốn FDI tiếp tục cải thiện trong tháng 8/2023. Nguồn: TCTK, BỘ KH&ĐT, VNDIRECT RESEARCH
Cũng trong tháng 8/2023, dòng vốn FDI tiếp tục có sự cải thiện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8, vốn FDI đăng ký đạt 1,9 tỷ USD, tăng 54,4% so với cùng kỳ. Cụ thể, vốn FDI đăng ký mới đã tăng 49,1% so với cùng kỳ, đạt 0,9 tỷ USD; trong khi vốn FDI đăng ký đầu tư thêm tăng 36,1% so với cùng kỳ, đạt 0,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh 79,0% so với cùng kỳ, đạt 0,6 tỷ USD.

Tỷ trọng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng năm 2023 (theo quốc gia). Nguồn: TCTK, BỘ KH&ĐT, VNDIRECT RESEARCH
Nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch đầu tư các dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi các doanh nghiệp này kỳ vọng về sự phục hồi trong nhu cầu của các thị trường phát triển nhờ sự hạ nhiệt của lạm phát và giảm tồn kho. Đây là các động lực chính thúc đẩy sự cải thiện đáng kể của vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong hai tháng gần đây. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân trong tháng 8/2023 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, vốn FDI đã thực hiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ, trong khi vốn FDI đăng ký đạt 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Cụ thể hơn, đã có 1.924 dự án mới được cấp giấy phép đầu tư (+69,5% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký là 8,8 tỷ USD (+39,7% so với cùng kỳ); 830 dự án đã được cấp phép trong các năm trước được phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư (FDI gia tăng) với tổng vốn đầu tư đăng ký bổ sung là 4,5 tỷ USD (-39,7% so với cùng kỳ); và đã có 2.268 lượt góp vốn và mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,4 tỷ USD (+62,8% so với cùng kỳ).