Kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP của TP.HCM vào năm 2025
(DNTO) - Theo thông tin từ buổi tọa đàm ngày 25/3 vừa qua, chương trình chuyển đổi số của TP.HCM sẽ ưu tiên tập trung vào 10 ngành, bao gồm một số lĩnh vực chính như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính-ngân hàng, du lịch, môi trường...
Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, ban hành theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 13/7/2020 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030, chiếm 40% GRDP thành phố.
Đây là thông tin tại tọa đàm "Kinh tế số: Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP.HCM" do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức ngày 25/3.
Đồng thời, chương trình chuyển đổi số của TP.HCM sẽ ưu tiên tập trung cho 10 ngành, gồm: y tế; giáo dục; giao thông vận tải; tài chính-ngân hàng; du lịch; nông nghiệp; logistics; môi trường; năng lượng và đào tạo nhân lực.
Những chính sách tối ưu để thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam
Với chủ đề này, TP.HCM cũng xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế là thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, tập trung chuyển hướng phát triển nền kinh tế số.
Đồng thời, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền số, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào triển khai đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tại thành phố.
Đặc biệt, TP.HCM là địa phương có số lượng dân số sử dụng điện thoại thông minh cao nhất; hạ tầng mạng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn.
Trong khi đó, các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến được nhiều người dùng và doanh nghiệp áp dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thiết yếu của thị trường trong lĩnh vực bán lẻ hàng thực phẩm, dịch vụ Internet, viễn thông nên một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng dương.
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hệ sinh thái kinh tế số
Trước bối cảnh này, TP.HCM phát triển hệ sinh thái kinh tế số, với các mối quan hệ chặt chẽ, gồm: dữ liệu; vốn; con người; khu vực công; khu vực tư; văn hóa số...
Theo một số chuyên gia đề xuất, chính sách phát triển kinh tế số trong thời gian tới ở đa dạng lĩnh vực như đối với lĩnh vực hạ tầng số, TP.HCM nên bổ sung và hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu chuyên ngành trong đề án "Đô thị thông minh".
Song song đó, TP.HCM thúc đẩy xây dựng cơ chế bảo mật an toàn thông tin để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ số; chú trọng bảo vệ an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng, khách hàng; bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Ở lĩnh vực kinh doanh số, TP.HCM thực hiện khảo sát nhu cầu và xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số, phát triển kinh doanh số, chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số thông qua việc cung cấp thông tin, đào tạo lao động.
Khuyến khích thúc đẩy các chính sách hỗ trợ liên quan về đầu tư và tiếp cận nguồn tài chính qua quỹ hỗ trợ như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chương trình kích cầu...
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nêu rõ chú trọng mục tiêu chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa hoạt động kinh doanh, quản trị, công nghệ, sản xuất...