Khi các lãnh đạo ra tay cứu nguy cho cổ phiếu
(DNTO) - Trước xu thế giảm sâu của thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu rớt mạnh, thậm chí rơi cảnh nằm sàn nhiều phiên khiến các các lãnh đạo phải mua cổ phiếu cứu nguy cho các mã này.
Chi tiền tỷ cứu giá
Thị trường chứng khoán đi xuống đang làm khó cho nhiều cổ phiếu. Thống kê từ đầu tháng 6 đến nay, VN-Index đã mất hơn 111 điểm, tương đương với mất 8,5%. Chốt phiên giao dịch hôm nay, 23/6, mặc dù đã tăng tới 19 điểm, nhưng chỉ số này cũng chỉ đạt 1.188 điểm, không vượt qua nổi mốc kháng cự 1.200 điểm, thanh khoản èo uột thấp nhất trong hơn một năm qua.
Nhiều cổ phiếu không cản nổi đà giảm của thị trường, trượt dốc sâu, thậm chí nằm sàn nhiều phiên đứng trước nguy cơ phải giải trình.
Trong bối cảnh này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải ra tay chi tiền tỷ để cứu nguy, vực dậy giá cổ phiếu doanh nghiệp.
Mã DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 15-21/6, từ 61.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 31.500 đồng/cổ phiếu, khiến doanh nghiệp phải có văn bản giải trình với cơ quan chức năng theo quy định. Theo đó, DIG cho biết hoạt động của công ty vẫn bình thường và sự biến động trên được cho là đến từ các thông tin tiêu cực chung về nền kinh tế và cung cầu thị trường.
Ngày 22/6, Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường, đồng thời là con ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT của DIG đã có văn bản thông báo về việc đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian giao dịch từ 30/06-29/07/2022. Với mệnh giá ngày 23/6 là 36.050 đồng/cp, nếu theo phương thức khớp lệnh, ông Cường sẽ phải bỏ ra hơn 360 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.
Không chỉ con trai tham gia, ngay trong hôm nay, 23/6, bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký mua 1 triệu DIG theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Động thái tích cực từ phía lãnh đạo đã đẩy DIG bật tăng mạnh mẽ, ngay lập tức nhuộm sắc tím hai phiên gần nhất với mức tăng trung bình đều trên 6,9%.
Cổ đông của Clever Group (mã chứng khoán: ADG) cũng khá vui trong phiên hôm nay trước thông tin Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Khánh Trình đăng ký mua 100.000 cổ phiếu ADG, giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh, trong thời gian từ ngày 28/6 - 27/7. Đặc biệt trong thông báo gửi đến cơ quan chức năng, vị lãnh đạo cho biết lý do về việc mua thêm của mình: "giá rẻ nên mua thêm".
Từ vùng đỉnh 52.900 đồng/cp tháng 1 vừa qua, ADG chỉ còn 36.400 đồng/cp ngày 21/6, tương đương giảm 31%. Hai phiên vừa qua, ADG bắt đầu rục rịch tăng trở lại, hiện có giá 38.300 đồng/cp.
Không chỉ các lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp mua cổ phiếu mà các công ty thành viên cũng tham gia "giải cứu" cổ phiếu. CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ), một cổ đông lớn của Công ty Du lịch Thành Thành Công (mã chứng khoán: VNG), đã đăng ký mua 4,3 triệu cổ phiếu sau khi VNG giảm sâu 42% qua 1 quý gần đây. .
Kết phiên hôm nay, VNG cũng đã bật tăng 6,4%, đứng tại 10.700 đồng/cp, theo đó ước tính thương vụ của TTCIZ có giá trị khoảng 46 tỷ đồng.
Chiều tăng liệu có bền
Việc các lãnh đạo phải mua cổ phiếu nhằm cứu giá cổ phiếu doanh nghiệp mình không phải là câu chuyện mới trên thị trường chứng khoán. Và thực tế cũng cho thấy động thái này cũng đã giúp nhiều mã bước qua vùng nguy hiểm nhằm tạo đà đi lên.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường đang gặp nhiều khó khăn, liệu đà tăng của cổ phiếu có bền như kỳ vọng của các lãnh đạo và các nhà đầu tư lại là câu chuyện khác.
Hiện tại, việc Fed tăng lãi suất, cùng đó là áp lực lạm phát trong nước, lãi suất đứng trước áp lực tăng, cùng đó là việc siết chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản, đà tăng của thị trường sẽ khó khăn hơn.
Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên thận trọng quan sát thị trường, ưu tiên những doanh nghiệp triển vọng nhất là trong bối cảnh báo cáo tài chính quý 2 đang đến gần.