Thế 'kẹt' của thị trường, nhà đầu tư nên làm gì?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán đang ngày càng nhiều hơn những tín hiệu tiêu cực khó lường. Giữ an toàn cho danh mục đầu tư, câu chuyện ngày càng khó hơn với nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay khi các chuyên gia dự báo đà giảm thị trường sẽ còn tiếp tục.
Dòng tiền có xu hướng rời đi
Việc VN-Index rớt xuống dưới dùng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm trong phiên 20/6 đang khiến tâm lý tiêu cực phủ trùm thị trường. Hiện tại, nhiều tác động bên trong và cả bên ngoài đang khiến dòng tiền băn khoăn khó chảy vào chứng khoán.
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, tháng 5, giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường giảm 33% so với đầu tháng và giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn hơn 17 ngàn tỷ đồng. Tháng 6, tình trạng không khá hơn nhiều. Ngày 20/6, thanh khoản cũng chỉ duy trì ở mức 14 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HoSE.
Đà bán tháo xu hướng tăng cao, tính riêng tuần qua nhóm cá nhân trong nước, hiện đang chiếm 83% trong cơ cấu thị trường trong nước, đã bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng. Mốc 1.200 điểm cũng đã trở nên khó hơn với thị trường.
Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra để giải thích cho tình trạng đi xuống của thị trường chứng khoán.
Trước hết là việc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố mức tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm qua, khi nâng lãi suất đi vay cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, và dự báo có thể tăng lên 3,1 - 3,6% vào cuối năm nay nhằm chống lại tình trạng lạm phát.
Trong nước, tín dụng được siết chặt với lĩnh vực bất động sản, khiến thị trường bất động sản hạ nhiệt so với trước. Trong khi đó, dòng vốn trên thị trường bất động sản thường có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường chứng khoán. "Một bên gặp khó khăn thì bên còn lại cũng khó có thể ghi nhận diễn biến tích cực”, nhóm phân tích VCBS cho biết.
Thêm vào đó là những lo lắng về tình trạng lạm phát trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng lên để hút vốn cho nền kinh tế phục vụ sản xuất.
Thị trường chứng khoán có thể nói đang nằm trong thế "kẹt", nơi mà dòng tiền khó chảy vào hơn. Và khi thị trường càng giảm sâu, việc dòng tiền rủ nhau ra đi là điều khó tránh khỏi.
Nhà đầu tư cần làm gì?
Mặc dù thị trường đã mất tới 36 điểm trong phiên 20/6, rơi về mốc 1.180 điểm, nhưng đà giảm thị trường vẫn được nhận định sẽ còn tiếp diễn.
Các chuyên gia từ SSI Research nhận định, với quán tính giảm mạnh như hiện nay, "VN-Index có thể tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ gần 1.160 – 1.150 điểm, tương ứng với vùng đáy ngắn hạn hình thành vào giữa tháng 5, trước khi tìm điểm cân bằng và hồi phục trở lại".
Điều này có nghĩa, nhà đầu tư ngắn hạn chưa thể lạc quan. Tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường là điều mà công ty chứng khoán gửi đến nhà đầu tư giai đoạn này.
"Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường, hạn chế bắt đáy và chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có lực cầu tốt như điện, nước, dịch vụ thiết yếu để chờ đợi thị trường cho tín hiệu ổn định hơn rồi mới cân nhắc tới chuyện gia tăng trở lại tỷ trọng cổ phiếu so với tiền mặt", VCBS khuyến cáo.
Chứng khoán MBS cũng cho biết, "nhà đầu tư nên xử lý danh mục theo cổ phiếu riêng lẻ, với các nhóm cổ phiếu đang được dòng tiền tập trung có thể tiếp tục nắm giữ, trong khi nên bán những cổ phiếu đã để mất vùng đáy cũ, nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng và không mua đuổi trong các phiên tăng".
Tuy nhiên với các nhà đầu tư dài hạn, thị trường đang cho thấy những cơ hội tốt. Hiện tại, định giá của thị trường tiếp tục trở nên hấp dẫn hơn với P/E chỉ khoảng 12,5 lần trên cả hai chỉ số VN-Index và VN30. Trong khi đó, với các dự báo tích cực kinh tế Việt Nam trong năm nay dự kiến tăng trên 6%, cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến có thể đạt trên 20% trong năm nay thì "mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài", chứng khoán SHS nhận định.