IMF: Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á năm 2020
(DNTO) - "Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế”, là nhận định của chuyên gia Ruchir Sharma - chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley, trong bài xã luận trên New York Times ngày 15/10.
“Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm", chuyên gia Ruchir Sharma nhận xét.
Theo công bố mới nhất trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020, cao thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Myanmar: 2%).
IMF dự báo, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt 340,6 tỷ USD trong năm 2020, vượt qua Singapore (hơn 337 tỷ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư tại Đông Nam Á. Xếp đầu danh sách là Indonesia với quy mô GDP đạt 1.088 tỷ USD, tiếp theo là Thái Lan và Philippines với GDP lần lượt đạt hơn 509 tỷ USD và 367 tỷ USD.
Đối với GDP đầu người, IMF dự báo Việt Nam sẽ tăng 2,4%, đạt 3.497 USD/người trong năm 2020, đứng thứ 5 trong số các quốc gia cao nhất trong khu vực là: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Bản báo cáo dự báo, đa số các nước Đông Nam Á có mức tăng trưởng âm trong năm 2020 (Indonesia -1,5%, Thái Lan -7,1%, Philippines -8,3% và Singapore -6%). Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương tại châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Dự báo về tốc độ phục hồi kinh tế năm 2021 sau đại dịch Covid-19, IMF cũng xếp Việt Nam vào nhóm có tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á là 6.7%, sau Malaysia 7.8%, Philippines 7,4% và Campuchia 6,8%. Thái Lan, Indonesia, Singapore được dự báo có mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 4%, 6,1% và 5%.
Đối với nền kinh tế thế giới, IMF cũng dự báo về mức độ tăng trưởng năm 2020 sẽ giảm 4.4%, tăng so với dự báo -5,2% của chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, với giả định lệnh giãn cách xã hội tại các quốc gia sẽ kéo dài đến năm 2021, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2021 từ 5,4% xuống còn 5,2%.
Bà Gita Gopinath - nhà kinh tế trưởng của IMF đưa ra nhận định kèm cảnh báo: “Suy thoái kinh tế sẽ bớt nghiêm trọng hơn so với dự báo hồi tháng 6, nhưng vẫn tiếp diễn sâu sắc trong năm nay. Quá trình phục hồi của các nền kinh tế sẽ còn kéo dài, không đồng đều và tồn tại nhiều bất ổn".
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giúp Việt Nam cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, người dân đang dần đi vào cuộc sống, nên các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh đang dần trở lại nhịp độ bình thường. Hy vọng, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục và có tốc độ tăng trưởng tốt như dự báo của IMF.