IHS Markit: Sức khỏe khu vực sản xuất giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2020
(DNTO) - Tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trầm trọng hơn trong tháng 8/2021, khi bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở mức độ tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có tiền lệ
Những biện pháp hạn chế dẫn đến đóng cửa tạm thời một số doanh nghiệp, các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nhằm cố gắng kìm hãm sự lây lan dịch bệnh, khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm đều giảm nhanh hơn.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có tiền lệ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh khó khăn của khâu vận chuyển và áp lực đối với các hải cảng của quốc gia. Điều này, cùng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, đã tạo áp lực làm chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) Việt Nam đã giảm còn 40,2 điểm trong tháng 8 so với 45,1 điểm của tháng 7, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ số này lấy ngưỡng 50 điểm để xác nhận sự mở rộng (trên 50) hay thu hẹp (dưới 50) của lĩnh vực sản xuất.
Các điều kiện kinh doanh đến nay đã giảm ba tháng liên tiếp. Những ảnh hưởng của Covid-19 khiến một số nhà sản xuất phải đóng cửa tạm thời, trong khi những nhà sản xuất khác báo cáo thiếu nhân viên và khả năng sản xuất bị hạn chế. Kết quả là, sản lượng đã giảm với tốc độ đáng kể - tốc độ giảm nhanh thứ nhì trong lịch sử chỉ số, chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng 4/2020.
Một bức tranh tương tự được ghi nhận với số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này giảm tháng thứ ba liên tiếp, và tốc độ giảm nhanh nhất trong thời gian 16 tháng. Tốc độ giảm của số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn khi những hạn chế do Covid-19 làm hoạt động xuất khẩu khó khăn.
Thị trường lao động của lĩnh vực sản xuất cũng chịu ảnh hưởng của các hạn chế giãn cách xã hội. Về tổng thể, việc làm đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, và tốc độ giảm nhanh, mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn nghiêm trọng khi thời gian giao hàng kéo dài ở mức kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp. Những khó khăn của khâu vận tải được nhiều người nhắc đến, khi tình trạng tắc nghẽn tại các hải cảng do không thể hoạt động hết công suất.
Các nhà sản xuất Việt Nam đang đối mặt với nhiệm vụ gần như bất khả thi
Tháng 8 cũng ghi nhận mức giảm gần kỷ lục của hoạt động mua hàng trong bối cảnh đóng cửa công ty tạm thời và yêu cầu sản lượng giảm. Mặc dù giảm hoạt động mua hàng, tồn kho hàng hóa đầu vào đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng. Tình trạng tăng chủ yếu phản ánh những khó khăn của các công ty trong việc duy trì sản lượng.
Tâm lý kinh doanh trong tháng 8 đạt mức thấp của 15 tháng khi tình trạng trầm trọng của đợt bùng phát Covid-19 hiện nay đã khiến một số công ty dự đoán thời gian hạn chế hoạt động vẫn kéo dài. Tuy nhiên, các công ty khác lại tự tin sản xuất sẽ hồi phục.
Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Các nhà sản xuất Việt Nam hiện đang đối mặt với một nhiệm vụ gần như bất khả thi, khi các hạn chế được áp dụng để kìm hãm sự lây lan của Covid-19 làm cản trở khả năng sản xuất hàng hóa. Một số phải đóng cửa hoàn toàn, một số khác hoạt động cầm chừng với số lượng nhân viên hạn chế. Một số công ty cho biết họ đã phải thực hiện chính sách ‘3 tại chỗ’ để duy trì nhân viên tại nơi làm việc”.
Andrew cũng bình luận thêm: “Những nhà sản xuất vẫn còn hoạt động đang phải đối diện với tình trạng chậm trễ trong khâu nhận hàng hóa đầu vào, khi tình trạng giảm công suất tại các cảng thường dẫn đến trì hoãn giao hàng. Hệ quả của toàn bộ việc này là chỉ số PMI mới nhất đã cho thấy mức sụt giảm đáng kể của sản lượng ngành sản xuất, và mức giảm chỉ đứng sau mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 4/2020. Các công ty cũng thay đổi kỳ vọng của họ khi triển vọng cho thấy thời kỳ hạn chế hoạt động chống dịch rất có thể còn kéo dài”.